Trước đây, mỗi khi xảy ra chuyện gì đấy với tàu chở dầu hay tàu thuỷ của ai đó nhưng không phải của Iran thì Mỹ, EU, NATO và các đồng minh khác nữa của họ ở trong cũng như ngoài khu vực đều lập tức đổ hết mọi trách nhiệm cho Iran, không chỉ cáo buộc đơn thuần mà còn đưa ra bằng chứng để chứng minh và thuyết phục thế giới bên ngoài tin rằng thủ phạm là Iran. Cả trong vụ việc một số cơ sở khai thác và tinh lọc dầu lửa ở Ả rập Xê út bị tấn công vừa rồi cũng thế. Nhưng bây giờ nạn nhân lại là tầu chở dầu của Iran và vũ khí tấn công là tên lửa.
Vì thế, vụ việc này có hai chiều tác động, bất kể thủ phạm là ai. Mà rồi đây thủ phạm cũng sẽ vẫn ẩn náu trong bóng tối bởi dẫu Iran có điều tra và phanh phui ra, công khai những chứng cứ thì chắc chắn phía bên kia cũng sẽ vẫn không chịu công nhận. Chiều tác động thứ nhất là an ninh ở cả khu vực này không được đảm bảo và những vụ việc tương tự sẽ còn tiếp tục xảy ra trong tương lai như đã từng xảy ra trong quá khứ. Như thế có nghĩa là mối bất hoà và xung khắc, nghi ngờ và đối địch lẫn nhau giữa các bên liên quan ở khu vực này sẽ vẫn còn tiếp tục dai dẳng.
Chiều tác động thứ hai là Mỹ, Ả rập Xê út và đồng minh ở một phe và Iran ở một phía phải rất thận trọng trong những bước di tiếp theo để tỉnh táo không bị sa vào cái bẫy của bên thứ ba nào đó tìm cách xô đẩy họ vào đụng độ quân sự trực tiếp với nhau.