Hai “Đại gia” xăng dầu chuẩn bị lên "sàn": “Kẻ tám lạng, người nửa cân…”

(PLO) - Trong vài tháng tới, hai “đại gia” là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và TCty Dầu Việt Nam (PV Oil) sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bán cổ phần ra công chúng. Sự kiện này được nhiều nhà đầu tư (NĐT) háo hức quan tâm bởi xăng dầu là lĩnh vực đặc thù, khả năng sinh lời lớn.
Nếu ví Petrolimex là một trung niên nhiều kinh nghiệm thì PV Oil như một thanh niên mới trưởng thành, nhiều tiềm năng phát triển. (Ảnh minh họa)
Nếu ví Petrolimex là một trung niên nhiều kinh nghiệm thì PV Oil như một thanh niên mới trưởng thành, nhiều tiềm năng phát triển. (Ảnh minh họa)

Tương quan “lực lượng” hai DN này được nhiều NĐT để ý trước khi lựa chọn nơi rót tiền đầu tư.

Rậm rịch lên “sàn”

Nếu Petrolimex là DN lớn nhất thị trường xăng dầu Việt Nam với thị phần khoảng 50% thì PV Oil là DN lớn thứ hai với hơn 20% thị phần. Hai “đại gia” này đang có nhiều hoạt động để chuẩn bị lên “sàn” chứng khoán.

Giải thích việc sau hơn 5 năm cổ phần hóa Petrolimex mới lên “sàn”, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn này cho biết, đơn vị là DN 100% vốn nhà nước, có những đặc thù riêng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nên quá trình cổ phần hóa, lên “sàn” phải có sự chuẩn bị thận trọng. Năm 2015, Petrolimex bán 103,5 triệu cổ phiếu (tương đương gần 10% cổ phần) cho Cty JX NOE đến từ Nhật Bản. Đây là DN bán lẻ xăng dầu lớn nhất tại quốc gia này với thị phần chiếm gần 50%; doanh thu một năm lên đến gần 78 tỷ USD. Việc có sự tham gia của cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản đã giúp quá trình cổ phần hóa, lên “sàn” của Petrolimex được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. 

Nếu xét về kinh nghiệm thương trường và quy mô tài chính thì Petrolimex nhỉnh hơn PV Oil. Theo đó, Petrolimex đã hoạt động được khoảng 60 năm nay, chiếm một nửa thị phần xăng dầu Việt Nam, đồng thời vươn ra kinh doanh ở một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Singapore. Năm 2016 chứng kiến kết quả kinh doanh vang dội ở Petrolimex khi doanh thu hợp nhất đạt gần 123.100 tỷ đồng, lợi nhuận 6.300 tỷ đồng.

Xăng dầu là mảng kinh doanh chính của Petrolimex, đem lại khoảng 60% lợi nhuận. Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh bổ trợ và ngoài ngành xăng dầu đem đến 40% lợi nhuận cho toàn tập đoàn như hóa dầu, gas, nhiên liệu bay, nhựa đường, hóa chất, vận tải biển… Hiện Petrolimex sở hữu khoảng 2.400 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc; nếu tính cả điểm bán lẻ thì con số này lên đến 5.200.

Các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex thường có vị trí thuận lợi, thông thoáng, ở khu vực đông dân cư, nhiều người qua lại. Theo một kết quả khảo sát, các cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn này có mức độ tiêu thụ cao hơn nhiều so với những đơn vị khác một phần do mặt bằng đẹp. 

Nhà đầu tư háo hức

Nếu ví Petrolimex là một trung niên nhiều kinh nghiệm, đã thành công trong kinh doanh xăng dầu, chỉ đặt mục tiêu giữ được 50% thị phần xăng dầu trong nước thì PV Oil như một thanh niên mới trưởng thành, nhiều tiềm năng phát triển, đang phấn đấu giành nhiều hơn thị phần xăng dầu trong nước về mình. Cuối năm 2016, nếu Petrolimex có vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng thì “thanh niên” PV Oil khoảng 10.300 tỷ đồng. Được thành lập từ năm 2008, trải qua gần 10 năm phát triển, PV Oil hiện giữ hơn 20% thị phần xăng ở Việt Nam.

Trong giai đoạn 5 năm tới, DN này phấn đấu  tăng thị phần xăng dầu lên 35%. Hiện nay PV Oil sở hữu 502 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong cả nước trải suốt từ Bắc đến Nam; nếu tính cả điểm bán lẻ, con số này là khoảng 3.000. Năm 2016, PV Oil có kết quả kinh doanh khả quan với 34.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế gần 700 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 7.830 tỷ đồng.

Là một DN mới “trưởng thành” nên PV Oil còn nhiều khó khăn và thách thức trước mắt. Thế nhưng, như ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PV Oil nói, những thách thức, khó khăn của PV Oil lúc này lại là một lợi thế. Ông Dương phân tích, khó khăn lúc này của Tổng Công ty là việc mở rộng các cửa hàng xăng dầu và phát triển các tiện ích đi kèm. Do chưa phát triển được các chuỗi tiện ích và các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phụ cận nên PV Oil còn nhiều tiềm năng phát triển.

Nếu lấy Petrolimex là điểm nhìn so sánh thì lý giải của Tổng Giám đốc PV Oil là có cơ sở. Nên nhớ, kinh doanh xăng dầu chỉ đem lại 60% lợi nhuận cho Petrolimex, trong khi những dịch vụ đi kèm và lĩnh vực phụ trợ xăng dầu đem lại đến 40% cho Tập đoàn này. 

Ngày 29/3 vừa qua tại Hà Nội, Petrolimex tổ chức hội nghị gặp gỡ NĐT trước khi cổ phiếu của Tập đoàn này được niêm yết trên thị trường chứng khoán vào giữa tháng 4/2017. Hàng trăm NĐT đã đến hội nghị, bày tỏ sự quan tâm, háo hức.

Ngoài những câu hỏi quan tâm đến định hướng phát triển của Tập đoàn sau khi trở thành công ty đại chúng, tỷ lệ chia cổ tức, nhiều NĐT bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành xăng dầu. 

Theo khảo sát của PLVN tại hội nghị, nhiều NĐT muốn tham gia kinh doanh lĩnh vực xăng dầu khi Petrolimex và PV Oil bán cổ phần ra công chúng. Tuy nhiên, nhiều NĐT đang băn khoăn chưa biết nên đầu tư vào Petrolimex hay PV Oil khi hai DN này có sức hút “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

Đọc thêm