Hai đứa trẻ con nhà nghèo cùng mắc chứng bệnh trầm trọng về mắt

(PLO) -Do một mắt đã hỏng, mắt còn lại chỉ thấy lờ mờ nên mỗi khi học bài, hai anh em phải đưa sách lên nhìn sát. Thấy các con như vậy, đôi vợ chồng nghèo ở Nghệ An lại thắt lòng. Họ càng xót xa hơn khi nghe con thơ hồn nhiên hỏi: “Mẹ ơi, sao mắt con ngày càng mờ?”.
Hai anh em Văn và Ly đều bị chứng bệnh trầm trọng về mắt

Gia cảnh buồn

Suốt 15 năm qua, đôi vợ chồng nghèo Nguyễn Thông (SN 1976) và Hồ Thị Nghiêm (SN 1981, ngụ xóm 8, xã Quỳnh Thanh(huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sống trong lo lắng khi mắt của hai đứa con ngày càng mờ. Dù họ đã cố gắng chạy chữa nhiều nơi, nhưng tình hình vẫn không tiến triển.

Hai con của vợ chồng anh Thông, chị Nghiêm là em Nguyễn Văn (SN 2002) và Nguyễn Thị Khánh Ly (SN 2008). Chia sẻ về bệnh tình của các con, người mẹ buồn rầu: “Từ lúc sinh ra, hai cháu đã có dấu hiệu bất thường về mắt. Nhưng vì hoàn cảnh nên chúng tôi không sớm đưa đi khám mà chủ yếu tự chữa trị ở nhà. Ai chỉ cho cách gì thì làm theo. Riêng với cháu Ly, lúc sinh ra không hề mở mắt. Mãi đến 3 ngày sau, hai mắt của bé mới mở ra bình thường. Từ những dấu hiệu đó, hai vợ chồng tôi nhận định cháu cũng mắc bệnh như anh trai”.

Đầu năm 2007, khi thấy mắt con trai ngày càng có dấu hiệu mờ nặng, hai vợ chồng anh Thông mới hốt hoảng đưa con đi khám. “Chúng tôi ôm con đi chữa trị từ bắc chí nam. Sau nhiều kiểm tra, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán mắt cháu bị chứng tổ chức hóa tủy tinh dịch mắt. Đây là chứng bệnh liên quan đến đục thủy tinh thể. Thời điểm đó, mắt trái của cháu đã gần mờ hẳn, mắt còn lại vẫn thấy nhưng thị lực yếu”, người cha kể.

Sau lần đó, đôi vợ chồng nghèo tiếp tục đưa con đi chữa trị ở một số bệnh viện khác nhưng không khỏi. Cuối cùng, vì hoàn cảnh, họ đành bất lực để con ở nhà, sống chung với bệnh tật.

Một năm sau, anh chị tiếp tục sinh con gái Khánh Ly. Niềm vui “mẹ tròn con vuông” chưa được bao lâu thì họ nhận thấy dấu hiệu lạ. “Hai mắt con bé cứ nhắm nghiền lại. Hoảng sợ, chúng tôi thử làm nhiều cách nhưng con vẫn không mở mắt. Con bé nhắm nghiền hết ba ngày thì hai mắt mới mở. Thấy con như vậy, vợ chồng tôi như vỡ òa hạnh phúc”, chị Nghiêm nhớ lại.

Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu vì mỗi ngày trôi đi, họ thấy mắt con gái luôn trong cảm giác khó nhìn. “Thấy mắt con cứ rướn để nhìn xung quanh, tôi sốt ruột vô cùng. Sau khi vay mượn được ít tiền bạc, vợ chồng tôi đành gửi hai đứa con lớn cho người thân trông dùm để đưa Khánh Ly đi khám. Các bác sỹ cho hay bệnh tình của cháu giống như người anh đầu. Sau ít ngày nhập viện, họ chủ yếu kê đơn thuốc để gia đình đưa về nhà cho con uống”, chị Nghiêm trình bày.

Đến năm 2015, bé Khánh Ly được tiến hành cắt lát mắt và nâng mí. Tuy nhiên, theo lời hai vợ chồng, tình hình vẫn không được cải thiện đáng kể.

Người cha tâm sự, mắt con gái vẫn nhỏ, nhìn vật gì cũng rất khó khăn. Mỗi khi học bài, cháu phải đưa sách ngay sát mắt. Đến cả việc xem vô tuyến, cháu cũng đứng sát màn hình. Thậm chí, nhiều hôm động trời, cháu chỉ ngồi một chỗ, không dám đi lại, sợ ngã. Vợ chồng tôi lo sợ, nếu tình hình này kéo dài đôi mắt của cháu sẽ gặp vấn đề nặng.

Việc hai đứa con cùng mắc một chứng bệnh liên quan đến mắt khiến cuộc sống của vợ chồng anh Thông rất vất vả. “Kiếm được đồng tiền nào, chúng tôi đều chắt bóp để chữa trị, mua thuốc cho con. Lúc nào cũng mang tâm thế như vậy khiến cuộc sống rất bế tắc, mệt mỏi. Những lúc như vậy, hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng. Khổ nhất là thời điểm hai anh em thay nhau nằm viện, vợ chồng tôi như chạy đua cùng các con. Gần đây, một mắt của cháu Văn bị mờ hẳn khiến chúng tôi rất lo lắng”, anh Thông nhìn đứa con nhỏ đang ngồi thu mình ở góc bàn buồn rầu.

Bé Ly phải đưa sách sát mắt mới nhìn thấy chữ

Nhọc nhằn vươn sống

Không may mắn khi phải mang trong mình bệnh tật về mắt từ lúc lọt lòng, nhưng hai anh em Văn và Khánh Ly rất ngoan ngoãn và ham học. Hàng ngày, ngoài những giờ đến trường, cả hai phụ giúp bố mẹ công việc gia đình và đồng áng. 

Chị Nghiêm cho hay, tuy mắt không được bình thường nhưng hai cháu rất siêng làm việc và thích đến trường. Hiện, em Văn đang học lớp 9, còn cháu Khánh Ly bước vào lớp 4 trường làng.

Thầy cô nơi các em theo học vì hiểu rõ hoàn cảnh, bệnh tình nên luôn thu xếp để hai anh em được ngồi ở vị trí thuận tiện. Nhưng vì mắt kém nên chuyện tiếp thu của hai em có chậm hơn so với các bạn. Dù vậy, chưa bao giờ Văn và Khánh Ly có ý định bỏ học hay buông xuôi trong cuộc sống.

Ngồi nhìn hai đứa con, anh Thông chia sẻ, mỗi khi đọc bài, Văn và em gái phải đưa quyển sách lên gần mắt. Các cháu nói như vậy mới thấy được chữ. Còn nếu nhìn ở khoảng cách xa sẽ không thấy gì. 

“Nhìn hai con như vậy, tôi rất xót lòng. Chẳng thà chỉ một đứa bị, đằng này, cả hai anhem đều phải sống chung với bệnh tật…Các cháu phải chịu quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh so với bạn bè. Trong khi vợ chồng tôi chỉ biết bất lực đứng nhìn”, anh Thông nói.

Vợ anh tâm sự, đến nay chị vẫn ám ảnh bởi câu hỏi ngây thơ của bé Khánh Ly cách đây không lâu. “Hôm đó, đang học bài, cháu bỗng ngửa cổ lên nhìn tôi mà hỏi rằng: “Mẹ ơi, sao mắt con ngày càng mờ vậy? Con nhìn mãi mà vẫn không thấy chữ”. Câu hỏi hồn nhiên của con khiến lòng tôi thắt lại. Vợ chồng tôi biết rằng chứng bệnh mà hai anh em đang mắc phải rất khó điều trị và khả năng mù lòa cao”. 

Nỗi lo lắng của đôi vợ chồng ấy càng lớn hơn khi họ nghĩ đến tương lai sau này. “Cháu Văn đã hỏng một mắt, mắt còn lại chỉ thấy mờ mờ. Đợt trước đi khám, các bác sỹ tư vấn đợi cháu Văn đủ 18 tuổi sẽ tiến hành thay mắt giả vào để đảm bảo tính thẩm mỹ, còn chữa trị thì không can thiệp được nữa. Riêng với cháu Khánh Ly, người ta cho hay nếu có người hiến giác mạc thì sẽ không bị mù. Nhưng, với chúng tôi đó là điều khó thực hiện. Cũng nhiều khi tôi nghĩ đến chuyện sẽ hiến giác mạc cho con, nhưng rồi lại lo lắng về chi phí…”, anh Thông chia sẻ.

Hiện nay, để có tiền nuôi 4 đứa con thơ, trong đó 2 đứa có nguy cơ mù hẳn, đôi vợ chồng nông dân chỉ biết trông chờ vào ba sào ruộng. Để cáng đáng gia đình, anh Thông làm thêm nghề sửa xe đạp. Tuy nhiên, khách ở quê lúc có, lúc không nên thu nhập chẳng đáng là bao. Chị Nghiêm vì lý do sức khoẻ ốm yếu nên uống thuốc quanh năm.

Dù vậy, đối với đôi vợ chồng nghèo, họ luôn nỗ lực hàng ngày để kiếm tiền nuôi các con. Trong thâm tâm vợ chồng anh Thông, chị Nghiêm luôn nuôi hy vọng phép màu sẽ đến với hai đứa con thơ dại của mình...

Chia sẻ về hoàn cảnh, bệnh tình của cháu Nguyễn Văn và Nguyễn Thị Khánh Ly, ông Trần Văn Tài trưởng xóm 8, xã Quỳnh Thanh xác nhận: “Hai cháu cùng mắc bệnh lý về mắt nên chịu rất nhiều thiệt thòi. Nhiều năm qua, vợ chồng anh Thông phải ôm các con đi chữa trị nhiều nơi, kinh tế càng khó khăn. Hiện gia đình anh đang nằm trong diện hộ cận nghèo của xóm”.

Bạn đọc hảo tâm giúp đỡ nhân vật trong bài xin liên hệ anh Trần Thông, xóm 8, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; SĐT: 01646. 826. 237

Đọc thêm