Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, năm 2019, UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định về việc ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2025” cũng như việc điều chỉnh, bổ sung Đề án này. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã luôn quan tâm và chỉ đạo các cấp, các ngành cùng các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Việc tổ chức buổi tọa đàm có nhiều nội dung hữu ích, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái của Hội doanh nghiệp trẻ. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội được tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ và tiếp cận các Quỹ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ đầu tư tạo tác động… để phát triển cho doanh nghiệp của mình. Từ đó, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương ngày một vươn cao hơn, xa hơn.
Ông Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hải Dương, ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng nhấn mạnh: Tọa đàm là một sự kiện quan trọng tạo động lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp có sự đổi mới, sáng tạo, đột phá để phát triển. Bởi các doanh nghiệp này chính là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của quốc gia mà còn là chìa khoá mở cửa cho sự phát triển thành công và bền vững lâu dài.
Nhận thức được tầm quan trọng này, những năm qua, tỉnh Hải Dương đã luôn nghiêm túc triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Tỉnh đã chủ động ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế vốn có để hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc triển khai các cơ chế, chính sách cũng như Đề án nêu trên bước đầu đã mang lại tác động tích cực, với nhiều kết quả đáng khích lệ. Điển hình vào 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước đạt 10% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 7 cả nước và đứng thứ 3 vùng Đồng bằng Sông Hồng, trong đó khu vực công nghiệp tiếp tục là mũi nhọn của nền kinh tế với mức tăng trưởng đạt 14,3%.
Với tốc độ tăng trưởng của từng khu vực và của tỉnh như hiện nay, dự báo cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Hải Dương sẽ đạt từ 10% trở lên. Điều này có được là nhờ vào sự đóng góp quan trọng từ phía các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo nói riêng.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tối đa các nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh và kết nối liên vùng để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Hải Dương đang xây dựng đề án thành lập khu kinh tế chuyên biệt để tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Quân cũng mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Hải Dương phù hợp với thực tế của tỉnh. Thông qua buổi tọa đàm, lãnh đạo tỉnh Hải Dương bày tỏ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ, tài trợ để hiện thực hóa các ý tưởng; huy động và khơi thông được các nguồn lực để doanh nghiệp phát triển, góp phần giúp Hải Dương phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, tiên phong trong hoạt động đổi mới, sáng tạo.
Cùng với đó, các quỹ khởi nghiệp, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư sẽ quan tâm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hải Dương; ươm mầm cho những ước mơ, chắp cánh cho các ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng cao hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh; nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các doanh nghiệp cũng đã được nghe Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia giới thiệu về các hoạt động, chương trình hỗ trợ; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giới thiệu cách thức tiếp cận vốn; giới thiệu Quỹ đầu tư tác động IIX, dự án sẵn sàng cho đầu tư tạo tác động IIRV; hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật và kết nối, huy động vốn với các nhà đầu tư nước ngoài thông qua nền tảng Impact Partners …