Với công suất 1.200MW gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 600MW và 4 lò hơi CFB, Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương do Cty hữu hạn Tập đoàn cố vấn công trình điện lực Trung Quốc và Cty JAKS Resources Bhd (JAKS) Malaysia đầu tư theo mô hình BOT, tổng mức đầu tư là 1,8685 tỉ USD. Tháng 7/2015, hai bên ký kết hiệp định đầu tư, sau 25 năm vận hành, nhà máy sẽ được chuyển giao lại cho Chính phủ Việt Nam.
Nhà máy được xây dựng bởi Cty hữu hạn Viện Thiết kế điện lực Tây Nam và Cty hữu hạn công trình Quốc tế, thuộc Tập đoàn Cố vấn công trình điện lực Trung Quốc liên kết xây dựng theo mô hình EPC.
Nhà thầu phụ đảm nhiệm phần thi công của nhà máy là Cty hữu hạn công trình số 1 Xây dựng nhà máy điện An Huy và Cty hữu hạn Công trình số 2 xây dựng nhà máy điện An Huy thuộc Tập đoàn xây dựng năng lượng Trung Quốc. Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương cũng như toàn vùng…
Để dự án sớm hoàn thành đảm bảo yêu cầu tiến độ, kỹ thuật, chất lượng và thời gian đã cam kết, Bí thư Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình nhằm thực hiện đúng kế hoạch đề ra, đồng thời lưu ý đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, chất lượng công trình; quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương, nhất là đối với các hộ giao đất để xây dựng nhà máy nhiệt điện.
Tỉnh Hải Dương cam kết tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Kinh Môn tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án; đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, bên cạnh việc hoan nghênh các bên liên quan đã vượt khó khăn để thực hiện dự án, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị nhà đầu tư cần thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, an toàn cho công trình và đảm bảo an sinh cho người dân địa phương.
Ông Tan Sri Datuk Hussin Bin Haji Ismail, Chủ tịch JAKS Resources Berhad khẳng định với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành điện, có lịch sử hoạt động tốt, từng tham gia vào công tác thiết kế và xây dựng nhiều dự án nhà máy nhiệt điện với tổng công suất gần 49,000MW, năng lực kỹ thuật và sức mạnh tài chính vững chắc, chủ đầu tư tự tin sẽ hoàn thành bàn giao và vận hành dự án nhà máy nhiệt điện đốt than 1.200MW theo đúng tiến độ.
“Ngày hôm nay đánh dấu một bước ngoặt trọng đại cho JAKS đa dạng hóa hình thức đầu tư và xây dựng nhà máy. Đây là bước tiến chiến lược cho chúng tôi tham gia vào thị trường điện đang phát triển tại Việt Nam”, ông Tan Sri Datuk Hussin Bin Haji Ismail nói.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, với nhu cầu về điện trên toàn quốc dự tính tăng 10-12% mỗi năm , để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và mục tiêu an ninh năng lượng, Việt Nam đang nỗ lực gia tăng tổng công suất phát điện.
Dự án Nhà máy điện Hải Dương dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2020, góp phần gia tăng tổng công suất phát điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện năng phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân.