Hài hước vụ án tố cáo mẹ nhưng truy tố con

(PLO) - Người mẹ bị chủ nợ tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng khi thấy bà này không phạm tội, cơ quan chức năng lại  chuyển hướng bắt con trai bà phải đi tù.

Bị cáo Lộc tại Tòa.
Bị cáo Lộc tại Tòa.
Theo hồ sơ vụ án, cuối tháng 2/2013, Tạ Tấn Lộc (SN 1976, ngụ phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An) được bạn bè rủ rê qua Campuchia đánh bạc và thua mất hơn 200 triệu đồng. Tiếc tiền, Lộc muốn gỡ lại nên vay của 4 người trong sòng bài 900 triệu đồng để tiếp tục “kiếp đỏ đen”. Tuy nhiên càng đánh Lộc càng trắng tay.
Sợ chủ nợ từ bên Campuchia về “thanh toán” nên Lộc nói dối mẹ là bà Tô Thị Nết rằng, có người bạn ở Tiền Giang đang cần 2,8 tỷ đồng để đáo nợ ngân hàng. Bà Nết chỉ đưa cho Lộc 800 triệu đồng vì trong nhà không còn tiền. Lộc năn nỉ mẹ đi vay đủ số tiền trên.
Tin con, bà Nết gọi điện cho bạn là bà Nguyễn Thị Hạnh ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hỏi vay 2 tỷ đồng và hẹn 4 ngày sau sẽ trả. Ngày 4/4/2013, bà Hạnh nhờ chồng mang 2 tỷ đồng tới cho bà Nết vay. 
Tuy nhiên, do bị bệnh nên bà Nết đã lên TP HCM để điều trị. Thấy chỉ có Lộc ở nhà, bà Hạnh gọi điện cho bà Nết thì được bà Nết nói đưa cho Lộc giữ, hôm sau về bà sẽ viết lại giấy vay tiền. Nghe vậy, bà Hạnh đồng ý giao tiền và nhờ Lộc viết giấy biên nhận. 
Có tiền, Lộc ung dung thuê xe dịch vụ chở lên cửa khẩu Mộc Hóa qua sòng bài ở Campuchia để trả nợ 900 triệu, còn 1,1 tỷ đồng tiếp tục đánh bạc, ăn chơi hết sạch.
Ngày 8/4/2013, khi đến hẹn trả nợ thì bà Nết xin lỗi bà Hạnh và thừa nhận số tiền đó đã bị Lộc đưa qua Campuchia đánh bạc hết. Bà Nết xin bà Hạnh gia hạn thời gian trả nợ, nhưng bà Hạnh không chịu. Hai tuần sau, bà Hạnh đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nết tới cơ quan công an.
Vụ án được khởi tố, nhưng qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xét thấy không đủ căn cứ để chứng minh bà Nết phạm tội lừa đảo, mà đó chỉ là việc dân sự vay mượn giữa hai người.  Tuy nhiên,  cơ quan chức năng không ra quyết định đình chỉ vụ án này mà chuyển qua điều tra hành vi lừa đảo của Tạ Tấn Lộc.
Trong suốt quá trình điều tra, Lộc cho rằng  mình không hề phạm tội, không lừa đảo tiền của mẹ, bởi hầu hết của cải, vật chất trong gia đình đều do Lộc tự tay tạo dựng. Mẹ Lộc cũng kêu oan cho con bởi bà không làm đơn tố cáo, bà không bị thiệt hại gì. 
Tại phiên tòa sơ thẩm cuối năm 2014, đại diện VKS đề nghị xử phạt Lộc từ 8 đến 10 năm tù nhưng Tòa chỉ tuyên Lộc 3 năm tù. Bản án trên bị Viện trưởng VKSND tỉnh Long An kháng nghị tăng hình phạt với bị cáo Lộc. Còn bị cáo Lộc làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo. Bà Nết cũng làm đơn kêu oan cho con.
Ngày 3/12, TAND Cấp cao tại TP HCM đưa vụ án ra xét xử. Tại đây, Lộc chuyển sang kêu oan vì cho rằng mình không phạm tội. Luật sư bào chữa cho bị cáo Lộc cho rằng đây là việc dân sự rất bình thường giữa bà Hạnh và bà Nết, chứ không hề liên quan gì tới Lộc.
Khi bà Hạnh đã cho bà Nết vay thì tiền đó đã thuộc sở hữu của bà Nết. Hơn nữa, đến nay bà Nết đã trả được cho bà Hạnh hơn 1,8 tỷ đồng. Số còn lại bà Hạnh đã khởi kiện dân sự và tòa đã có bản án. 
Như vậy là cùng một nội dung, nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Long An lại vừa xử cả hai hình thức là dân sự và hình sự… Từ những căn cứ trên, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên hủy toàn bộ bản án và tuyên bị cáo Lộc vô tội.
Hội đồng xét xử cho rằng căn cứ khởi tố vụ án chưa rõ ràng, bà Hạnh tố cáo bà Nết chứ không phải tố cáo Lộc. Sau khi xác định bà Nết không có dấu hiệu hình sự thì cơ quan chức năng Long An lại không ra quyết định đình chỉ mà còn căn cứ vào đơn tố cáo đó để khởi tố Lộc là không khách quan. 
Việc xác định dấu hiệu phạm tội của bị cáo cũng rất mơ hồ, Lộc có gian dối, nhưng không phải gian dối nào cũng cấu thành tội phạm… nên HĐXX đã quyết định tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại.
* (Tên bị hại đã được thay đổi)./.

Đọc thêm