Giải mã kho báu đế vương dưới mộ Bảo Đại

(PLO) - Nhiều năm qua, câu chuyện về Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam đã chôn giấu một kho báu khổng lồ lên đến gần 10 tấn vàng với  rất nhiều “kim ngọc bảo tỷ” ở khu vực nghỉ dưỡng hồ Lắk thuộc xã Đắk Liêng (huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk) đã gây xôn xao dư luận.
Một góc hồ Lắk
Một góc hồ Lắk
Trải qua biến thiên dâu bể, bỏ biết bao công sức vào những cuộc săn tìm đào bới, song “bạc vàng châu báu” đâu chẳng thấy, chỉ thấy sự nhảm nhí và hoang đường…
“Thiên đường” nghỉ dưỡng của vị vua xa hoa
Trước khi đổ vào dòng Sêrêpốk hùng vĩ, các mạch nước từ dãy núi Chư Yang Sin đã tạo ra hồ Lắk thơ mộng, rộng lớn. Hồ Lắk còn hấp dẫn du khách bởi những nét hoang sơ, yên bình vẹn nguyên như từ thuở hồng hoang. Ngắm từ xa, hồ nước trông mềm mại và quyến rũ đến lạ kỳ. Còn khi lại gần, thì nước hồ xanh thẳm lại phản chiếu cảnh vật xung quanh trông lung linh, huyền ảo như cảnh tiên dưới trần thế. 
Cũng vì mê đắm cảnh đẹp mà một thời cựu hoàng Bảo Đại đã tận hưởng những nét thi vị nơi đây trên những chiếc thuyền độc mộc hoặc ngồi trên lưng voi dạo ngang qua mặt hồ. 
Vào khoảng năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng cho Pháp, thời gian này, phu nhân Mộng Điệp được Bảo Đại đón lên Đà Lạt. Một năm sau, khi Pháp trả Tây Nguyên cho Chính phủ Quốc gia, sau khi lập Tây Nguyên thành thể chế đặc biệt Hoàng triều cương thổ (Bảo Đại ký Sắc luật thành lập ngày 15/4/1950), cựu hoàng Bảo Đại đã cử bà Mộng Điệp lên thủ phủ Tây Nguyên là Buôn Ma Thuột giúp ông giữ đất Tây Nguyên. 
Bà Mộng Điệp và Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu: Nguyễn Đắc Xuân.
 Bà Mộng Điệp và Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu: Nguyễn Đắc Xuân.
Cũng từ đây, phu nhân Mộng Điệp đã có quãng thời gian gần 3 năm sống trong hạnh phúc với ông vua không ngai cuối cùng của triều Nguyễn. 
Qua hàng trăm lần vào rừng săn mãnh thú. Bảo Đại đã chọn khu vực hồ Lắk là tâm điểm của những cuộc săn bắn. Trước niềm đam mê săn bắn của cựu hoàng,  phu nhân Mộng Điệp đã hợp đồng với một nhà thầu người hoàng tộc xây dựng ở hồ Lăk một ngôi biệt điện nguy nga, tráng lệ. 
Thời gian này, cựu hoàng Bảo Đại thường leo lên những chỗ cao để phóng tầm mắt ra xa để chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh xinh đẹp quanh hồ Lắk. Một lần, đứng trên ngọn đồi ngắm cảnh ông đã phát hiện ra một buôn làng ẩn hiện bên những cánh đồng lúa xanh rì, cạnh đó là dòng suối uốn khúc tựa như một dải lụa thiên thanh, quyến rũ đến lạ kỳ. 
Sau nhiều lần đến địa phương khảo sát, ông cho xây dựng khu bãi tắm ngay tại dòng suối B’Lào (chảy trên địa phận xã Đắk Liêng, huyện Lắk ngày nay - PV) thơ mộng. Sau mỗi cuộc đi săn đầy mệt mỏi, cựu hoàng Bảo Đại lại cùng các cung nữ và phu nhân Mộng Điệp đến đây đắm mình trong dòng nước để thư giãn và thưởng lãm cuộc sống. 
Những cuộc săn tìm kho báu hoàng gia
Không ai ngờ được rằng, tại khu vực dòng suối đẹp trong như tranh vẽ, nơi diễn ra những cuộc tắm tiên của các cung nữ và cựu hoàng Bảo Đại lại xuất hiện luồng tin đồn chôn cất một kho báu khổng lồ có khối lượng gần 10 tấn, bao gồm nhiều vàng bạc, châu báu. 
Thực tế cho thấy, sau năm 1975, khu biệt thự hồ Lăk cùng nhiều điểm nghỉ dưỡng lân cận đã bị tàn phá hầu như hoàn toàn. Luồng tin đồn cho hay, những kiến trúc mà hai vợ chồng Bảo Đại dựng nên đều bị cày nát bởi bom đạn, chính vì thế mà kho báu cất giấu gần dòng suối B’Lào cũng vì thế mà bị mất dấu vết giữa cánh đồng rộng lớn.
Cũng theo đó, khi những kẻ lạ mặt mới đến địa phương, để thuyết phục đồng bào ở khu vực nghỉ dưỡng suối B’Lào tin vào câu chuyện kho báu của dòng họ nhà Rồng, kẻ đứng đầu có nói bất cứ ai tham gia vào tổ chức sẽ được bổ nhiệm chức vụ để cùng nhau hưởng kho báu trời cho này. 
Tuy nhiên, cuộc đàm phán này đã không có được tiếng nói chung và đám người lạ mặt kia đành phải bỏ về. Sau thời gian thất bại trong việc kêu gọi người dân tham gia, đóng góp tiền của để khai thác kho báu, thì đám người lạ trên lại xuất hiện để tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia tổ chức của họ. 
Một người từng có ý định tham gia cho biết, “Khi nhóm người này lên, một tên đứng đầu giới thiệu với người dân là những lãnh đạo cấp cao trong tổ chức gọi là “Hoa Mai Hội” và có vị trí đặc biệt quan trọng trong “Gia đình nhà Rồng”. Không những thuyết phục người ở xã Đắk Liêng (huyện Lắk) mà nhóm người này còn tỏa đi khắp các tỉnh Tây Nguyên cũng để tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia tổ chức của họ. 
Với lời nói đường mật cùng với lời hứa được hưởng giàu sang, phú quý nên tổ chức này đã lôi kéo được rất nhiều người tham gia. Điều đặc biệt, những ai tham gia tổ chức này mà đóng góp nhiều tiền bạc thì sẽ được kẻ cầm đầu ra quyết định thăng chức. Khi có chức vụ trong tổ chức của mình, tổ chức này họp và tuyên bố đang trực tiếp quản lý các kho báu, kho tiền đô la cổ tại các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Đắk Lắk, Gia Lai... thậm chí ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Tại các kho báu, kho tiền cổ ở đây đều có các “thủ kho” là thành viên của tổ chức trông coi. 
Với thủ đoạn mị dân vô cùng tinh vi trên, nhiều người có địa vị trong xã hội đã tham gia vào việc tuyên truyền cho tổ chức lừa đảo này. Để có kinh phí hoạt động cho tổ chức lừa đảo, rất nhiều người phải bán nhà, bán đất, thu gom tài sản đóng góp cho kẻ cầm đầu để thực hiện việc truy lùng kho báu, kho tiền cổ nhằm thực hiện mong ước đổi đời, có cuộc sống vương giả. 
Để thuyết phục người dân xã Đăk Liêng tin vào câu chuyện kho báu Bảo Đại có thật, những kẻ đứng đầu trong tổ chức “Gia đình nhà Rồng” đã tung tin đồn có kho báu với trữ lượng gần 10 tấn vàng được chôn giấu tại khuôn viên nhà ông Y Nơr Ông (SN 1949, ngụ xã Đắk Liêng, huyện Lắk). Một số người nhẹ dạ cả tin từ các nơi đã kéo đến đây đào xới để tìm “kho báu”, gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn sinh hoạt của chủ khu đất và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương này.
Lật tẩy kho báu bí ẩn
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Viết Tùng - Trưởng công an xã Đắk Liêng cho biết, “xã Đăk Liêng là một địa bàn phức tạp, đông dân, với tổng số 20 thôn buôn, trên 1 vạn dân. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, gây khó khăn trong việc quản lý và công tác tuyên truyền pháp luật. 
Trong những năm qua, đã có một số người lạ đến địa phương để truy tìm, đào bới kho báu đã gây mất tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Cụ thể, có đoàn người đến nhà ông Y Nơ Ông để truy lùng kho báu là có thật, vấn đề này cũng đã được ban công an xã theo dõi sát sao và trình báo lên cấp trên. 
Mỗi khi trong buôn có sự xuất hiện của đoàn người lạ là chúng tôi lại nhanh chóng xuống hiện trường để xác nhận hơn nữa để bảo đảm cho công tác an ninh trật tự tại địa phương. Chúng tôi cũng hết sức đề cao cảnh giác với sự dụ dỗ, mua chuộc, hoặc các hành động xúi giục đồng bào gây mất đoàn kết hoặc có tư tưởng xấu”. 
Trước dấu hiệu bất thường, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, công an xã Đắk Liêng  đã phản ánh về tình trạng khai quật kho báu tại khu vực đất thuộc gia đình ông Y Nơr Ông lên cấp lãnh đạo cao hơn. 
Ngay sau khi có được những thông tin cần thiết, Cơ quan An ninh - Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng vào cuộc, làm rõ đối tượng chính tung tin đồn thổi về kho báu nhằm lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin và đi theo khai quật “kho báu” không tồn tại này. 
Cơ quan An ninh điều tra khẳng định đây là tổ chức lừa đảo. Người đứng đầu nhóm lừa đảo này là Lê Văn Dũng (tự xưng là Ba Vương), tổng tài chủ người quản lý kho báu của “Gia đình nhà Rồng” thuộc tổ chức “Hoa Mai Hội” ở Việt Nam và có cả người nước ngoài tham gia. 
Lê Văn Dũng (Ba Vương) tự xưng là đại tướng để lừa đảo (ảnh do cơ quan Công an cung cấp).
 Lê Văn Dũng (Ba Vương) tự xưng là đại tướng để lừa đảo (ảnh do cơ quan Công an cung cấp).
Tổ chức này đã tung tin hiện đang sở hữu nhiều kho báu, kho tiền đôla rải ở Việt Nam. Trong đó một kho báu ở huyện Lắk (Đắk Lắk).  Tổ chức này đánh vào lòng tham và sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu góp tiền, giúp sức cho hành vi lừa đảo. 
Được biết, Dũng đã giao nộp cho cơ quan an ninh một số hình ảnh, tài liệu liên quan đến kho báo do nhóm này dựng lên. Thời gian qua, cơ quan công an đã điều tra, truy tố, xử lý nhiều đối tượng ở một số tỉnh thành trong cả nước xưng danh các tổ chức “Hoa Mai Hội” để lừa đảo. 
Theo tìm hiểu, Lê Văn Dũng nhập ngũ tháng 10/1974, trong thời gian tham gia quân đội, Dũng vô tổ chức kỷ luật, nhiều lần bỏ trực chiến, bị nhắc nhở, kiểm điểm nhiều lần nhưng không sửa chữa, sau đó Dũng lấy cắp xăng dầu của đơn vị, bị điều tra, xử lý. 
Tháng 5/1979, Lê Văn Dũng bị đơn vị kỷ luật, giáng cấp từ hạ sĩ xuống binh nhất, sau đó Dũng đào ngũ. Sau khi đào ngũ khỏi quân đội, Dũng về sinh sống tại xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk) từ năm 1980 đến nay. 
Năm 2002, Dũng bị Công an thành phố Buôn Mê Thuột bắt giữ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 11 cá nhân và bị Tòa án nhân dân thành phố Buôn Mê Thuột kết án tù giam. Đến năm 2005, Dũng ra tù và về sinh sống tại địa phương, Dũng mở phòng khám chữa bệnh không có giấy phép, đã bị chính quyền xử lý hành chính và buộc ngừng hoạt động. 
Qua câu chuyện trên, người dân địa phương cần cảnh giác cao độ với các chiêu trò lừa đảo tinh vi, đồn thổi về kho báu kẻo tiền mất, tật mang. Đặc biệt khi phát giác những hình thức lừa đảo tương tự, quần chúng nhân dân cần tích cực phối hợp với cơ quan công an để đưa các đối tượng chủ mưu ra trừng trị trước pháp luật.
Liên quan đến việc tìm kho báu, Lê Văn Dũng khai, tài sản “Gia đình Nhà Rồng” xuất xứ từ Trung Quốc. Ba Vương là người đứng đầu “Gia đình Nhà Rồng” đời thứ 7, tiếp nhận từ Tôn Trung Sơn.
Trong các kho tiền chủ yếu là USD sản xuất từ năm 1939 đến năm 1945 (sê-ri 2003 – 2006) các tờ tiền có AND của Ba Vương.
Muốn mở các kho tiền thì Tổng tài chủ - Vua tài chính toàn cầu (Ba Vương) lệnh yêu cầu Tổng quản mở kho, Tổng tổng quản yêu cầu Tổng quản, Tổng quản yêu cầu Thủ kho mở kho, nếu không có lệnh, chữ ký, con dấu của Ba Vương là bất hợp pháp.
Hiện nay có nhiều kho tiền do Ba Vương cai quản nằm rãi rác ở Cà Mau, Đồng Tháp, Gia Lai, Đắk Nông, Quảng Nam, Bạc Liêu, Kiên Giang; ở nước ngoài có Lào, Campuchia, Singapore, Mianma, Trung Quốc…Ba Vương đã giao nộp cho cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an một số tài liệu, hình ảnh liên quan, chứng minh Ba Vương là Tổng tài chủ các kho báu của “Gia đình Nhà Rồng” thuộc tổ chức “Hoa Mai Hội” ở Việt Nam, như:“Lệnh xuất kho”,“Lệnh mở kho”,“Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh cho một số thành viên trong hội”.

Đọc thêm