Hai kẻ mua bán trẻ ở chùa Bồ Đề lĩnh án tù

(PLO) - Mặc dù cả hai bị cáo loanh quanh chối tội, nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án, diễn biến tại tòa HĐXX khẳng định cáo trạng truy tố hai bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hai bị cáo trước vành móng ngựa nghe HĐXX tuyên án.
Hai bị cáo trước vành móng ngựa nghe HĐXX tuyên án.
Chiều (9/9), TAND quận Long Biên đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ án Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em tại chùa Bồ Đề do hai bị cáo Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, trú tại Yên Khánh, Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) thực hiện.
Giữ quyền công tố tại phiên xét xử, đại diện VKSND quận Long Biên kết luận mặc dù cả 2 bị cáo đều loanh quanh và không thật thành khẩn nhận tội, nhưng vẫn đủ cơ sở để khẳng định hành vi của Phạm Thị Nguyệt và đồng phạm đã cấu thành tội “Mua bán trẻ em” như cáo trạng đề cập. Hai bị cáo đã thừa nhận hành vi mua bán cháu Phạm Gia Bảo.
Pháp luật đã có quy định rất rõ ràng về việc nhận nuôi con nuôi, song các bị cáo không thực hiện theo pháp luật mà lén lút đưa cháu Cù Nguyên Công ra khỏi chùa để mua bán với nhau. Mặt khác, thực tế bị cáo Nguyệt không có nhu cầu nuôi con nuôi và cũng không đủ điều kiện nhận con nuôi. Việc bị cáo nuôi cháu Công chỉ là vì mục đích tư lợi của bản thân.
VKS xác định, trong vụ án này, bị cáo Nguyệt giữ vai trò khởi xướng và trực tiếp thực hiện việc mua bán trẻ em. Đối với bị cáo Trang thì giữ vai trò giúp sức tích cực và cũng trực tiếp mua bán cháu Công, đồng thời đã nhận 35 triệu đồng của đồng phạm.
Tại tòa, bị cáo Nguyệt thừa nhận đưa 35 triệu đồng cho Trang, dù rằng Nguyệt không thừa nhận có hứa hẹn đưa cho nữ quản lý khu nhà Mở của chùa Bồ Đề số tiền này.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm đối với xã hội. Bởi lẽ các bị cáo đã xâm phạm nghiêm trọng vào quyền tự do về thân thể cũng như nhân phẩm của con người được pháp luật bảo vệ. Các bị cáo không chỉ xâm phạm vào quyền được bảo vệ, chăm sóc của trẻ em mà còn coi trẻ em như một món hàng hóa.
Vì vậy, việc làm của các bị cáo cần phải bị nghiêm trị trước pháp luật nhằm trừng trị, răn đe và phòng ngừa tội phạm chung. Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo phạm tội một phần do thiếu hiểu biết pháp luật và thành khẩn khai báo nên cần được áp dụng Điều 46 để giảm nhẹ một phần hình phạt.
VKSND luận tội và đề nghị mức án bị cáo Nguyệt từ 48 – 50 tháng tù; Trang 45 – 48 tháng tù. Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyệt mong muốn xin nhận một phần thi thể cháu bé để thờ cúng. Đề nghị này bị HĐXX bác bỏ.
Tại tòa Nguyễn Thị Thanh Trang khẳng định rằng, trụ trì Thích Đàm Lan không biết việc làm, không liên quan đến hành vi phạm tội của chị ta.
Sau khi xem xét, đánh giá toàn bộ diễn biến lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng hồ sơ vụ án, HĐXX đã quyết định xử phạt Phạm Thị Nguyệt 48 tháng tù giam, Nguyễn Thị Thanh Trang mức án 42 tháng tù giam.

Đọc thêm