Hai mối tình sâu đậm của “người viết tình ca” Phan Huỳnh Điểu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù được biết đến như là tác giả của nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng, nhưng thực sự, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn được mệnh danh là một trong những nhạc sĩ viết tình ca ngọt ngào nhất. Ông từng trải qua vài mối tình đẹp, trong đó, tình yêu sâu sắc, trọn đời dành cho người vợ tào khang.
Cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Người nhạc sĩ của tình yêu say đắm

Trong nền âm nhạc Việt Nam, Phan Huỳnh Điểu được xem là một trong những nhạc sĩ “vàng” đặt nền tảng cho nền tân nhạc, ông từng được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20.

Trong hơn 75 năm hoạt động âm nhạc, Phan Huỳnh Điểu để lại hơn 100 tác phẩm, hầu hết đều là những ca khúc nổi tiếng, được công chúng yêu mến. Sự nghiệp âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu như một dòng sông. Đó là dòng chảy ngập ngừng cùng với thời kì khởi đầu của nền tân nhạc, cuồn cuộn theo chiều dài của các cuộc kháng chiến vệ quốc, và rồi chảy êm đềm từ sông ra biển lớn với những bản tình ca ngọt ngào thời kì xây dựng đất nước.

Nhắc đến Phan Huỳnh Điểu, nhiều người vẫn nghĩ về ông như một nhạc sĩ cách mạng, bởi những ca khúc kháng chiến của ông đã quá in sâu vào tâm khảm: “Ra tiền tuyến”, “Đoàn vệ quốc quân”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”... Thế nhưng, thực tế, những người yêu mến vẫn gọi ông là “người nhạc sĩ viết tình ca”, và Phan Huỳnh Điểu cũng nhận mình là nhạc sĩ của tình yêu.

Bởi, ngoài những ca khúc cách mạng được sáng tác ở thời kỳ khói lửa chiến tranh, âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu hầu hết là hướng về tình yêu: “Tình trong lá thiếp”, “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”... Thậm chí, các ca khúc cách mạng của ông cũng hầu như được cất lên qua lăng kính của những người yêu nhau: “Sợi nhớ sợi thương”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Đêm nay anh ở đâu?”...

Những ca khúc tự sáng tác lời hoặc phổ thơ của Phan Huỳnh Điểu đều mang âm hưởng trữ tình lãng mạn, đầy da diết, ngọt ngào, chạm đến những rung cảm sâu thẳm trong tim người nghe. Nhưng Phan Huỳnh Điểu không chỉ là một người nhạc sĩ tài năng. Để ra đời những ca khúc hay, người nhạc sĩ ấy đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ. Như bài hát huyền thoại “Bóng cây Kơ-nia” rất được công chúng yêu thích. Nhạc sĩ đã sáng tác đúng 12 năm mới hoàn thành - một kỉ lục của chính ông. Phan Huỳnh Điểu từng tâm sự: “Lần đầu đọc bài thơ “Bóng cây Kơ-nia năm 1959, tôi thấy rất cảm, rất thích, nhưng hồi ấy chưa biết đồng bào Tây Nguyên thế nào, chưa gần gũi, hiểu họ, viết ra sao cũng thấy còn thiếu trải nghiệm. Rồi năm 1970 tôi vào chiến trường, cùng sống với người Tây Nguyên, hiểu và yêu thương họ. Trở về, bài “Bóng cây Kơ-nia” mới hoàn thành và ra đời”. Một câu chuyện đủ để nói lên thái độ nghiêm túc của ông đối với con đường sáng tác.

Có một thời, các thế hệ thanh niên, trung niên say đắm tình ca của Phan Huỳnh Điểu, các chương trình âm nhạc cũng không thể thiếu ca khúc của ông. Ông là một nhạc sĩ “không có tuổi”, vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tác khi đã ngoài 80. Và dẫu “gần đất xa trời”, các ca khúc của Phan Huỳnh Điều vẫn được công chúng say mê, đón nhận bởi những lời tình ca đầy tha thiết, đầy đắm say và rất trẻ trung như chính tâm hồn của Phan Huỳnh Điểu vậy.

Những năm 2000, Phan Huỳnh Điều ở trong một căn nhà nhỏ xinh khu cư xá Bắc Hải, TP HCM. Căn phòng đọc sách của ông hướng ra ban công đầy hoa. Trên bàn làm việc có chồng chồng, xấp xấp những bài thơ của bạn bè, người hâm mộ gửi với mong muốn được ông phổ nhạc. Ở đó, ông đọc sách, đọc thơ, viết nhạc và thư giãn bằng cách chăm sóc hoa. Tại thư phòng ấy, ông tiếp khách, dí dỏm kể chuyện mình, nói chuyện đời…

Những người từng lui tới thư phòng xinh đẹp ấy, đều có cảm nhận rằng người nhạc sĩ vẫn còn “trẻ lắm”, như ông luôn tự khẳng định. Xấp xỉ 90, Phan Huỳnh Điểu khi ấy vẫn nói về những dự định còn ấp ủ, về mong muốn được sáng tác thêm nhiều tác phẩm hay cho công chúng yêu mến của mình. Ông vẫn biết, đời người là hữu hạn, những năm tháng của mình không còn nhiều nữa, nhưng vẫn luôn cố gắng sống hữu ích, sống trọn vẹn từng khoảnh khác của đời người.

“Tôi thì lúc nào cũng thế, tâm hồn trẻ trung, trong sáng, hồn nhiên, chẳng bao giờ già đi, dù thể xác có bao nhiêu tuổi. Và âm nhạc, tâm hồn tôi vẫn như thuở ấy, khi nghe bài hát của mình cất lên từ những tiếng hát học trò…”, nhạc sĩ từng chia sẻ với người viết như thế.

Những mối tình khắc cốt ghi tâm

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tự nhận mình là người giàu cảm xúc, nhưng không “đa tình”. Trước khi cưới vợ, ông cũng từng rung động, có cảm xúc với một vài người con gái. Các ca khúc của ông sáng tác, hầu hết đều có bóng dáng của những người con gái ông từng rung cảm. Trong số đó, mối tình sâu đậm nhất có lẽ là với người con gái bên sông Hàn quê hương ông, người đã trở thành chất xúc tác để ông phổ nhạc bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu” của nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và vợ, mối tình sâu sắc trọn đời. (Ảnh: NAG Nguyễn Á)

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và vợ, mối tình sâu sắc trọn đời. (Ảnh: NAG Nguyễn Á)

Năm ấy, vào một mùa thu rất đẹp, Phan Huỳnh Điểu ở tuổi “mới biết yêu” đã rung động trước cô bé hàng xóm tên Mộng Tân. Sau một thời gian ngượng ngùng, cuối cùng người thanh niên Phan Huỳnh Điểu cũng lấy hết can đảm để tỏ bày với cô hàng xóm. Mặc dù Mộng Tân không trả lời, chỉ mỉm cười, nhưng cả hai đều hiểu rằng “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Và mối tình chớm nở bằng những buổi hẹn hò thú vị, những lần “trốn nhà” để được gặp nhau.

Nhưng rồi thế cuộc đã chia cách mối tình ấy. Theo dòng chảy của chiến tranh, hai thanh niên đã theo gia đình rời đi hai nơi khác nhau. Ngày rời xa, họ đã hẹn ước cùng nhau. Vẫn nhớ về nhau trong những tháng ngày xa cách. Nhưng chiến tranh thì kéo dài, đời người thì vô định. Mãi rồi, mỗi người cũng phải có một cuộc sống khác, buộc lòng phải quên đi mối tình đầu đẹp đẽ đã khắc sâu trong tim mình.

Những ngày tháng xa cách đầy nhớ nhung nhưng cũng đầy tuyệt vọng ấy, người nhạc sĩ chỉ biết tìm đến âm nhạc như một niềm an ủi. Và rồi khi bắt gặp những lời thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh, ông tìm được sự đồng điệu lớn lao, như đang gặp lại những ngày tháng cũ: “Mùa thu đi cùng lá/ Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mang/ Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ”. Phan Huỳnh Điểu nhanh chóng phổ nhạc bài thơ ấy, và nói không quá, nhạc phẩm âm nhạc này cũng nổi tiếng, được yêu thích không kém gì tác phẩm gốc “Thơ tình cuối mùa thu”.

Sau này, Phan Huỳnh Điểu từng gặp lại Mộng Tân khi họ đã ở tuổi trung niên, mỗi người đã có gia đình riêng của mình. Khi ấy, tình cảm họ dành cho nhau là sự trân trọng, quý mến đối với “cố nhân”.

Nhưng nhắc đến mối tình lớn của cuộc đời Phan Huỳnh Điểu, không ai không biết đó là tình yêu của ông dành cho vợ, bà Phạm Thị Vân. Đây là mối tình “khắc cốt ghi tâm” mà người nghệ sĩ luôn nói đến, luôn kể trong những câu chuyện về tình yêu của mình. Người vợ tào khang cũng là người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp viết tình ca của ông.

Sau ngày mất của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, trong một chương trình, nhạc sĩ Phan Hồng Hà đã chia sẻ về chuyện tình yêu đáng ngưỡng mộ của cha mẹ. Năm 1945, Phan Huỳnh Điểu đi theo cách mạng. Đến khoảng năm 1946-1947, ông về trường Lê Khiết tại Quảng Ngãi để dạy nhạc. Tại đây, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã gặp vợ mình lúc đó vẫn là một cô học trò theo học tại trường. Cả hai yêu nhau và đến năm 1949 thì chính thức làm đám cưới tại Quảng Ngãi. Thời điểm khó khăn và gian khổ nhất của gia đình nhạc sĩ bắt đầu từ năm 1964 khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quay trở lại chiến trường, còn vợ ở nhà một mình nuôi 4 người con. Mãi đến năm 1970 thì ông mới trở về đoàn tụ cùng gia đình. Kể từ đó, hai vợ chồng gắn bó “một bước không rời” cho đến khi tuổi già, cùng nương tựa lẫn nhau.

Tháng 6/2015 nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời. Vì lúc ấy bà Phạm Thị Vân đang bệnh, nên cả nhà giấu bà chuyện chồng mất. Thế nhưng, bằng linh cảm của một người vợ hết lòng thương yêu chồng, bà đã biết được cái chết của ông. Hình bóng nhỏ bé, câm lặng đau đớn của bà trong đám tang nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã gây nên nỗi xúc động lớn lao cho người đến viếng. Và rồi, sau 100 ngày ông mất, bà cũng đi theo ông. Những người con của họ gọi đó là thứ tình yêu của định mệnh, thiêng liêng đến mức “cái chết không thể chia lìa”.

Đã 8 năm kể từ khi “người viết tình ca” rời bỏ cõi đời. Nhưng tài năng, sự nỗ lực và tình yêu thương của người nhạc sĩ vẫn vẹn nguyên sức sống, trong những bài tình ca bất diệt ông để lại cho đời.

Đọc thêm