Hai nữ sinh dân tộc Vân Kiều đi bộ 5km để ‘đón sóng 3G - dựng lán’ học online

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vì nhà nằm ở khu vực vùng sâu vùng xa và không bắt được sóng 3G nên để học được bằng hình thức trực tuyến, hai chị em Son và Huyền phải đi bộ cách bản tầm 5km mới "đón" được sóng 3G rồi dựng tạm một căn lán bên đường để học online.  
Hai chị em Son và Huyền học online dưới chiếc lán dựng tạm cách bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy 5km.
Hai chị em Son và Huyền học online dưới chiếc lán dựng tạm cách bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy 5km.

Trong những ngày đầu của năm học mới 2021-2022, trên hành trình về với điểm trường TH&THCS tại bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi vô tình bắt gặp hình ảnh 2 chị em ruột người dân tộc Vân Kiều đang chăm chú học trực tuyến qua điện thoại trong một căn lán dựng tạm bên đường.

Hai nữ học sinh này là Hồ Thị Son (SN 2004) và Hồ Thị Thanh Huyền (SN 2005) - Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình.

Trò chuyện với chúng tôi, hai chị em Son và Huyền chia sẻ về những khó khăn trong việc học online của những học sinh vùng sâu, vùng xa. Mặc dù có điện thoại thông minh nhưng ở bản Bạch Đàn nơi hai chị em đang sinh sống lại không có sóng hay mạng điện thoại nên việc kết nối vào hệ thống trực tuyến để nghe giảng là điều không thể.

Để có thể theo dõi thầy cô ở trường giảng dạy, hai chị em Son và Huyền phải mất nhiều ngày mò mẫn lên các khu vực đồi cao mới tìm được khu vực đón sóng 3G để tham gia lớp học trực tuyến cùng thầy cô và các bạn.

Tại khu vực hai chị em Son và Huyền đón được sóng 3G (cách bản Bạch Đàn tầm 5km), bố mẹ của các em cũng đã dựng tạm một căn lán để che mưa, che nắng và kê những thanh gỗ làm bàn, ghế cho hai em học bài.

“Dịch COVID-19 nên bọn em không đến trường được, thầy cô cũng có hướng dẫn để em tự học ở nhà, thế nhưng bọn em rất muốn được học cùng với các bạn. Khi được thầy cô giảng qua điện thoại, bọn em cũng học được nhiều hơn so với tự học nên đã cố gắng đến đây để bắt mạng”, em Hồ Thị Son chia sẻ.

Khu vực có mạng 3G mà hai chị em tìm được lại nằm gần vách núi cao và vực sâu rất nguy hiểm.

Khu vực có mạng 3G mà hai chị em tìm được lại nằm gần vách núi cao và vực sâu rất nguy hiểm.

Mặc dù rất vui mừng khi tìm được vị trí có mạng 3G để học trực tuyến, thế nhưng Son và Huyền cũng như bố mẹ các em lại rất lo lắng bởi khu vực dựng lán là vách núi cao, trước mặt là vực sâu nên dễ bị sạt lở, 2 chị em cũng chỉ dám đến ngồi học lúc trời tạnh ráo.

Cứ mỗi sáng, 2 chị em Huyền và Son dậy từ rất sớm, đem theo nắm cơm hoặc cái bánh, đi bộ gần 5km theo con đường lởm chởm đất đá để ra vị trí đã dựng chòi để ngồi học trực tuyến. Các em vừa học, vừa trao đổi, nhận các tài liệu, đề bài tập của thầy cô gửi qua Zalo, Facebook.

“Năm nay là năm cuối cấp nên em phải cố gắng học để theo kịp bạn bè, có kiến thức để thi tốt nghiệp THPT. Cả 2 chị em em đều mong muốn được sau này có công việc ổn định, thoát ra cái đói, cái nghèo của thế hệ đi trước. Học ở đây mặc dù mạng đôi lúc cũng chập chờn nhưng với bọn em ở đây, có 3G để theo dõi thầy cô giảng bài thế này là vui lắm rồi. Chỉ mong sao sớm hết dịch để bọn em trở lại trường, học tập được tốt hơn”, hai chị em Son và Huyền cùng nói.

Với bản Bạch Đàn, bản làng nhỏ này nằm cách trung tâm xã hơn 11km, đường vào dốc đứng, bùn lầy lội rất khó đi, vào những lúc mưa, đất đá 2 bên núi lại đổ xuống lòng đường. Với bản nghèo nơi biên giới xa xôi của tỉnh Quảng Bình này, muốn học trực tuyến, các em học sinh phải mò mẫn đến khu vực cao hơn để dò sóng 3G.

Hiện nay, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Thủy đang phải triển khai giáo viên vào tận bản để hướng dẫn, giao bài tập cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9.

Đọc thêm