Hai 'ông lớn' muốn điện Phú Mỹ, Bộ Công Thương chọn ai?

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đều có văn bản xin được tiếp nhận, quản lý, vận hành 2 nhà máy điện BOT Phú Mỹ sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng và chuyển giao cho phía Việt Nam.

Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2-2.
Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2-2.

Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 (Phú Mỹ 3) và Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Phủ Mỹ 2.2 (Phú Mỹ 2.2) đều được thực hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Phú Mỹ 3 công suất 716,8 MW. Phú Mỹ 2.2 công suất 715 MW, đều sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên mua từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), với lượng tiêu thụ khoảng 0,85 tỷ m3/năm và bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo thông tin công bố, bộ hợp đồng dự án và Hợp đồng BOT Phú Mỹ 3 được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ký với chủ đầu tư ngày 22/5/2001, vận hành thương mại từ 1/3/2004. Phú Mỹ 2.2 được ký với chủ đầu tư vào 18/9/2001, vận hành thương mại từ 4/2/2005.

Với thời hạn 20 năm, Phú Mỹ 3 sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào 1/3/2024. Phú Mỹ 2.2 sẽ được chuyển giao vào 4/2/2025 sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng.

Theo quy định, trước khi chuyển giao, Công ty BOT phải thực hiện các công việc như: Xây dựng kế hoạch chuyển giao, thực hiện đại tu cuối cùng, phối hợp chuyên gia độc lập tổ chức thử nghiệm nhà máy dưới sự giám sát của Bộ Công Thương (đơn vị được chỉ định nhận chuyển giao); đào tạo, lập danh sách nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà máy, chuẩn bị tín dụng thư hoặc bảo lãnh cho chuyển giao.

Được biết, ngày 15/11/2021, Công ty BOT Phú Mỹ 3 đã có văn bản gửi Bộ Công Thương thông báo kế hoạch đại tu cuối cùng (dự kiến từ 15/2 - 13/4/2022) và đề nghị Bộ tham gia chứng kiến chuẩn bị việc chuyển giao nhà máy.

Ngày 11/10/2021, EVN có Văn bản 6205/EVN-TTĐ đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng giao EVN là đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành, kinh doanh bảo trì các nhà máy sau chuyển giao. Trước đó, ngày 7/9/2021, PVN cũng có Văn bản 5085/DKVN-Đ&NLTT báo cáo Thủ tướng xin chuyển giao quyền sở hữu hai nhà máy nói trên về PVN sau khi kết thúc hợp đồng BOT.

Do đặc thù ngành Điện, đơn vị được giao tiếp nhận, quản lý, vận hành, kinh doanh bảo trì các nhà máy sau chuyển giao dự kiến là DN nhà nước và thường xuyên được Thủ tướng giao thực hiện các công trình điện trọng điểm quốc gia…

Nhằm bảo đảm thời hạn chuyển giao theo pháp luật và hợp đồng dự án, không ảnh hưởng tới tính liên tục, chất lượng và từ tính toán trên, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao EVN là đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình sau chuyển giao; giao EVN chuẩn bị nhân sự, nguồn lực cần thiết và kinh phí để chuẩn bị kế hoạch chuyển giao, tiếp nhận các nhà máy; tham gia vào các bước chuẩn bị tiếp nhận các nhà máy.

Với tài sản 2 nhà máy sau khi nhận chuyển giao, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng giao EVN có trách nhiệm vận hành được xử lý tuân theo quy định hiện hành về vốn nhà nước đầu tư vào DN.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã có yêu cầu Bộ Tài chính, KH&ĐT nghiên cứu báo cáo, đề xuất của Bộ Công Thương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện, bảo đảm việc vận hành của hai nhà máy sau khi được bàn giao cho phía Việt Nam liên tục, hiệu quả, an toàn, đáp ứng yêu cầu an ninh năng lượng quốc gia.

Trường hợp có vướng mắc, cần chủ động liên hệ với hai Bộ để được hướng dẫn cụ thể; chỉ báo cáo Thủ tướng trường hợp vượt thẩm quyền các Bộ.

Đọc thêm