Giáo dục từ gốc rễ
Khoa học kỹ thuật là linh hồn của tất cả các nền kinh tế. Sở dĩ những cường quốc như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức... có nền kinh tế hiện đại, chiếm lĩnh vị thế trên chiến trường quốc tế bởi họ sở hữu những phát minh, sáng chế khoa học sáng tạo, có tính ứng dụng cao trong đời sống. Những nước như Lào, Campuchia và một số nước Châu Phi có nền kinh tế chậm phát triển bởi thiếu hoặc không có những sáng chế khoa học.
Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia sở hữu ít sáng chế nhất. So sánh với các nước trong khu vực, số lượng bài báo khoa học của Việt Nam trên các tạp chí ISI chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/4 Malaysia, và 1/5 Singapore; số lượng bằng sáng chế được cấp của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/30 Singapore, 1/1.240 Hàn Quốc và bằng 1/3170 Trung Quốc.
Nguyên nhân của việc thiếu những phát minh, sáng chế khoa học được xác định do còn khó khăn về cơ chế chính sách cũng như quan niệm xã hội, hạn hẹp trong việc đổi mới giáo dục. Do vậy, để có thể "sánh vai được với các cường quốc năm châu" như lời Bác dặn, việc cấp thiết cần triển khai là giáo dục từ gốc rễ, tức là gieo mầm những “hạt giống” sáng chế khoa học ngay từ các cấp học đầu tiên.
Cùng với Hà Nội, Hải Phòng là đơn vị dẫn đầu cả nước về những sáng chế khoa học của học sinh. Năm 2017, việc 02 sáng chế khoa học của 4 học sinh Hải Phòng đoạt giải 3 và giải khuyến khích trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế (ISEF) - tổ chức thường niên từ năm 1952 cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 tại Mỹ - đã nói lên nhiều điều. Đầu tiên, học sinh Hải Phòng nói riêng và học sinh Việt Nam nói chung không chỉ có khả năng đạt giải cao ở các kỳ thi Olympic, không chỉ giỏi về lý thuyết mà còn có khả năng chiếm lĩnh các đỉnh cao về khoa học, kỹ thuật.
Để tham gia vòng chung kết tại Mỹ, các thí sinh phải vượt qua những cuộc thi từ cấp trường, thành phố và quốc gia. Cùng với đó, quan điểm và phương pháp giáo dục, bồi dưỡng nhân tài tại Hải Phòng đã có sự đổi mới. Bởi trải qua 7 năm tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, năm nay là năm đầu tiên, ngành giáo dục Hải Phòng nhận được "trái ngọt" tại đấu trường quốc tế.
Hai đề tài được vinh danh trên gồm: Zerumbone Derivatives: New Candidates For Cancer Treatment (các dẫn xuất mới điều trị ung thư) của Đỗ Phương Mai (lớp 11 chuyên Hóa) và Bùi Đỗ Minh Quân (lớp 12 chuyên Lý); Mind Hand: Giải pháp toàn diện hỗ trợ giao tiếp cho người câm điếc của Nguyễn Hiền Thảo Chi (lớp 11 chuyên Anh) và bạn Trần Thị Trang Ngân (lớp 11 chuyên Toán, cùng trường THPT chuyên Trần Phú).
|
Các đề tài khoa học của trường THPT chuyên Trần Phú đoạt giải cao tại kỳ thi quốc gia |
Quyết tâm và kiên trì
Chia sẻ về kinh nghiệm quý báu khi “mang chuông đi đánh xứ người”, cô Nguyễn Thị Hải Lý, giáo viên hướng dẫn hai nhóm để tài trên khiêm tốn: “Phải nói rằng, để có được “trái ngọt” đó, trước tiên là nhờ sự may mắn, sau đó là sự quyết tâm và kiên trì của cả cô, trò. Cả 4 học sinh của hai nhóm đề tài đều là những “nhân tố” có tiềm năng, sự đam mê đồng thời rất thông minh và sáng tạo. Tiếp đến, Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Trần Phú đã tạo điều kiện tối đa cho cả cô và trò hoạt động nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi trong suốt 01 năm qua”.
Với các sáng chế khoa học, điều quan trọng nhất là ý tưởng, mà đã là ý tưởng thì có nhiều quan điểm xoay quanh và để thực hiện được nó không phải đơn giản. Có những khi cô trò trở nên bất đồng quan điểm bởi mỗi người muốn phát triển ý tưởng đó thành một sản phẩm khác nhau. Có những lúc, đường đi của các thí sinh tưởng chừng đã rơi vào ngõ cụt. Ví dụ, xuất phát từ việc người bác bị ung thư mà các phương pháp điều trị hiện nay là quá đắt đỏ nên Minh Quân mong muốn tìm ra cách nào đó để giúp đỡ bác cầm cự với căn bệnh trên mà bỏ ra chi phí thấp.
Tuy nhiên, đề tài mà Quân chọn liên quan khá nhiều đến Hóa – Sinh, trong khi em lại là học sinh chuyên Lý. Hoặc với sản phẩm MIND HAND của Chi và Ngân, một chiếc đồng hồ tích hợp kỹ thuật xử lý hình ảnh và âm thanh và liên kết với điện thoại thông minh để chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc thành giọng nói, giọng nói thành chữ viết. Nhờ đó, người câm điếc có thể giao tiếp. Ban đầu, chiếc đồng hồ khá cồng kềnh, chỉ có 2 mạch điện và chạy không được tốt. Nếu các học sinh bỏ cuộc lúc này thì mọi công sức sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Sau nhiều lần nâng cấp, sản phẩm trông nhỏ gọn hơn nhiều và có 3 mạch điện.
Điều đặc biệt, cả hai tác giả này đều không học chuyên về kỹ thuật, Thảo Chi học chuyên Anh, Trang Ngân thì chuyên Toán. Ở trường, Chi và Ngân mới chỉ học ngôn ngữ Pascal và lập trình C, do đó, các em đã phải học thêm qua các trang mạng rất nhiều. Không chỉ vậy, để có thể bảo vệ thành công đề tài của mình trước cả một hội đồng thẩm định của nước ngoài, các em phải thuyết trình hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Do vậy, ngoài việc nghiên cứu, tìm hiểu các lĩnh vực chuyên ngành, tất cả các thí sinh đều phải từng ngày trau dồi khả năng ngoại ngữ.
Hoặc ngay cả cô Nguyễn Thị Hải Lý, giáo viên hướng dẫn các nhóm đề tài với đủ các chuyên ngành tại trường lại là giáo viên Sinh học. Do đó, kể từ khi bắt tay vào công việc thì cả cô và trò phải tìm hiểu và đọc rất nhiều. Trong khi đó, năm 2016 khi các nhóm đề tài bắt tay vào nghiên cứu thì cũng là lúc trường THPT chuyên Trần Phú “chân ướt chân ráo” chuyển về địa điểm mới tại đường Lê Hồng Phong, Quận Hải An rộng tới 42.000m2. Phòng thí nghiệm chưa hoàn thiện, Ban giám hiệu bộn bề với công tác xây dựng, kinh phí đầu tư cho việc mua sắm hóa chất, dụng cụ hạn hẹp… Vậy là học trò đã biến nhà riêng của cô Lý thành “đại bản doanh” cho hoạt động nghiên cứu.
Cái khó của việc hướng dẫn các sáng chế là phải phát hiện ra nhóm đề tài nào có tiềm năng và nhóm đề tài nào không có tiềm năng. Để có được “hạt giống” tốt, nhà trường đã phải mời những giáo sư đầu ngành của Việt Nam về tận trường để giúp đỡ cô trò thẩm định, đánh giá các mặt của sáng chế đó liên quan đến chất lượng, tính ứng dụng, bản quyền.
Với các sản phẩm mang tính sáng tạo trên, tính bảo mật là rất quan trọng. Vậy nên, có nhiều khi dù chỉ chỉnh sửa bản thuyết minh để chuẩn bị bảo vệ trước hội đồng đề tài cấp Bộ, cả cô và trò lại phải “khăn gói quả mướp” từ Hà Nội về Hải Phòng để xử lý. “Có lần, 3 giờ sáng cả đoàn mới về đến Hải Phòng, lo chỉnh sửa giấy tờ cho xong, không kịp tắm táp gì. Xong việc cả cô trò lại lên đường tới Hà Nội cho kịp giờ hôm sau. Có những lần cao điểm, 3 tối chúng em thức trắng, nghĩ lại thấy mình thật “phi thường”, Thảo Chi cười xòa kể lại.
|
Trường THPT chuyên Trần Phú, ngôi trường hiện đại nhất Hải Phòng với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng |
Hy vọng vào những kế hoạch “dài hơi”
Không những thành công ở ISEF 2017, hai sáng chế trên cũng đoạt Huy chương vàng và những thành tích đáng nể ở các cuộc thi khoa học, kỹ thuật tại đấu trường trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… Với các dẫn xuất mới điều trị ung thư, Minh Quân và Phương Mai hy vọng sẽ chế ra được thuốc điều trị ung thư mạnh từ cây gừng gió với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, bao gồm việc thử nghiệm trên động vật và bước cuối cùng là thử nghiệm trên cơ thể người.
Một tin vui nữa đến với trường THPT chuyên Trần Phú là sản phẩm Mind Hand của Thảo Chi và Trang Ngân đã được một vài tổ chức ngỏ ý muốn mua lại để nâng cấp thành sản phẩm bày bán rộng rãi ngoài thị trường bởi Mind Hand vượt xa nhiều sáng chế tương tự ở thời điểm hiện tại nhờ được lập trình với hàng trăm câu thoại bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Tuy nhiên, hai em đều từ chối. Hai em mong muốn phát triển sáng chế này thành một phần mềm có thể tải miễn phí trên Google và áp dụng được với cả những chiếc điện thoại có trị giá khoảng 1 triệu đồng trở lên để những trẻ em khuyết tật và nghèo khó có cơ hội được sử dụng.
Lãnh đạo trường THPT chuyên Trần Phú bật mí, hiện nhà trường đang đầu tư cho những để tài mới và hy vọng năm học 2017 - 2018, học sinh Hải Phòng lại tiếp tục được xướng tên trên bục vinh quanh của đấu trường khoa học kỹ thuật thế giới.
“Nếu khoa học không phát triển, đất nước Việt Nam sẽ tụt hậu”, khẳng định trên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại một sự kiện khoa học công nghệ gần đây một lần nữa nói lên vai trò của những phát minh, sáng chế với sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc đổi mới quan điểm giáo dục để định hướng, đầu tư cho thế hệ trẻ phải có tính sáng tạo và say mê với những sáng chế khoa học là việc chúng ta phải thực hiện ngay từ hôm nay.