Hỗ trợ để giữ nguồn nhân lực phòng, chống ma tuý
Theo ghi nhận từ Sở LĐ-TB&XH, hiện Hải Phòng hiện có 391 viên chức, người lao động, bác sĩ đang làm việc tại 3 LĐ-TB&XH. Trước ngày 1/9/2022, ngoài tiền lương, phụ cấp, số lao động này còn được hưởng phụ cấp đặc thù mức 500.000 đồng/người/tháng theo quy định mức phụ cấp thu hút đặc thù với công chức, viên chức làm việc tại cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện.
Tuy nhiên, thực hiện Quyết định 45/2022/QĐ-UBND ngày 19/8/2022 của UBND TP (bãi bỏ hiệu lực Quyết định 202/QĐ-UBND ngày 13/2/2012 quy định mức phụ cấp thu hút đặc thù), từ 1/9/2022 đến nay, khoản phụ cấp đặc thù bị cắt khiến thu nhập bình quân của NLĐ làm việc tại các CSCN chỉ đạt 6,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân chung của người lao động trên địa bàn đạt 8 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập bình quân thấp, làm việc trong môi trường quản lý người nghiện có nhiều phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm... đã khiến một số NLĐ không yên tâm công tác; CSCN khó giữ nguồn nhân lực công tác lâu dài; đã có trường hợp chuyển việc làm.
UBND TP dự chi, hỗ trợ NLĐ tại CSCN trực tiếp tiếp xúc với người nghiện mức 1,8 triệu đồng/tháng; hỗ trợ NLĐ gián tiếp tiếp xúc với người nghiện tại CSCN mức 900.000 đồng/tháng; hỗ trợ với bác sĩ làm việc tại cơ sở cai nghiện mức 3,6 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, Hải Phòng hiện có 401 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý. Trong số này có 232 CBCS công an, 9 công chức hải quan, 63 CBCS Bộ đội Biên phòng; 63 CBCS Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma tuý số 1; 69 CBCS thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1; và 8 CBCS Hải đoàn Biên phòng 38.
CBCS lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý là những người trực tiếp trinh sát, phát hiện, bắt giữ và đấu tranh tội phạm ma tuý. Ngoài lương cơ bản, lực lượng này không được hưởng thêm phụ cấp nào. Mặc dù vậy, hàng ngày, hàng giờ, lực lượng chuyên trách phải đối mặt nguy hiểm, rủi ro khi triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về ma tuý. Hàng tuần, tháng, lực lượng này thực hiện các kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm, ứng trực, trực đêm, trực tăng cường các ngày lễ, Tết…
Theo đánh giá từ Sở LĐ-TB&XH, ngoài lương, không có phụ cấp, trong khi giá cả sinh hoạt tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của CBCS. Đã có một số CBCS thuộc lực lượng chuyên trách xin chuyển công tác sang đơn vị mới có môi trường làm việc tốt hơn, giảm bớt áp lực công việc.
Nhằm giữ nguồn nhân lực chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý trình độ cao, tâm huyết yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện sự quan tâm của TP Hải Phòng với lực lượng này, UBND TP cũng đề xuất HĐND TP xây dựng nghị quyết, chi hỗ trợ từ ngân sách TP cho mỗi CBCS chuyên trách, trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý mức 3,6 triệu đồng/tháng.
Hỗ trợ thêm chi phí cho người tự nguyện cai nghiện
Từ năm 2019, Hải Phòng có quy định, các cá nhân tự nguyện thực hiện cai nghiện ma tuý sẽ được TP hỗ trợ tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, tiền ăn, tiền chăn màn, quần áo trong thời gian cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, người cai nghiện ma tuý tự nguyện vẫn phải chi trả các khoản tiền điện, nước sinh hoạt; tiền hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí.
Trong khi đó, hầu hết gia đình có người nghiện, người cai nghiện tự nguyện đều thuộc diện khó khăn; phải chi thêm các khoản tiền điện, nước sinh hoạt, tiền hoạt động vui chơi giải trí, thể dục, thể thao tại các CSCN sẽ không khuyến khích được người nghiện tự nguyện đăng ký cai nghiện.
Học viên sinh hoạt tại CSCN số 2 (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) (Ảnh: Đông Bắc) |
Theo ghi nhận từ Sở LĐ-TB&XH, mỗi năm TP có khoảng 600 người nghiện ma tuý tự nguyện cai nghiện. Nếu được ngân sách TP hỗ trợ thêm tiền điện, nước, vui chơi giải trí sẽ giúp cho người cai nghiện có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, động viên người nghiện yên tâm cai nghiện, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Theo Sở LĐ-TB&XH, tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã có chính sách hỗ trợ với NLĐ làm việc tại CSCN; hỗ trợ thêm các khoản tiền hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao với người tự nguyện cai nghiện ma tuý tại các CSCN. Các tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La có chính sách chi hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý.
Theo ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP, cơ chế đặc thù, phù hợp hỗ trợ NLĐ làm việc tại các CSCN sẽ giúp NLĐ yên tâm công tác, gắn bó công việc cũng như giữ được nguồn nhân lực lâu dài cho lĩnh vực này…