Hải Phòng mở rộng không gian đô thị về 3 hướng đột phá - Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng được phát triển theo hướng Tây Nam |
Nhiều giải pháp đột phá
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, kinh tế - xã hội (KT-XH) TP trong những năm gần đây tiếp tục ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế của TP có sự tăng trưởng so với cùng kỳ như chỉ số sản xuất công nghiệp (CN) (IIP) tăng trên 10% so; tổng thu ngân sách đạt trên 52.600 tỷ đồng; sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt gần 83 triệu tấn; số lượng khách du lịch đạt trên 4,7 triệu lượt (tăng gần 14%); thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 2 tỷ USD, tăng trên 84% so với cùng kỳ năm 2022…
Bên cạnh đó, TP đang tích cực triển khai lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng có liên quan đến điều chỉnh Quy hoạch chung, đặc biệt là Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên và Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu vực đô thị An Dương; trình HĐND TP thông qua nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải… Đến cuối tháng 7/2023, TP đã giải ngân được trên 9.100 tỷ đồng vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2023; TP đã tổ chức khởi công nhiều dự án, công trình trọng điểm để thúc đẩy phát triển KT-XH. Riêng trong tháng 7, Hải Phòng đã tổ chức khởi công xây dựng Công viên cây xanh nút giao Nam Cầu Bính; Dự án xây dựng Cầu Máy Chai nối từ quận Ngô Quyền sang đảo Vũ Yên…
Ba hướng đột phá mở rộng không gian đô thị TP Hải Phòng
Hướng Đông Nam tập trung các dự án đường tỉnh 356 trên đảo Cát Bà, tuyến đường từ Bến phà Gia Luận về đến Hang Quân y (thôn Hải Sơn), đoạn đường nối khu I Tùng Dinh đã hoàn thành đưa vào sử dụng; triển khai Khu bãi tắm nhân tạo và đô thị du lịch Cát Đồn.
Hướng Bắc, TP đã khởi công Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính TP, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại khu vực Bắc Sông Cấm; Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn TP; Xây dựng Đề án huyện Thủy Nguyên chuyển đổi thành TP thuộc TP Hải Phòng trước năm 2025.
Hướng Tây Nam, TP đã cơ bản hoàn thành Dự án xây dựng khách sạn 5 sao và khu vui chơi giải trí thuộc Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng cùng với Dự án xây dựng sân Golf 36 lỗ giai đoạn 1 thuộc Dự án Đồi Rồng…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng chia sẻ, để có được những kết quả trên, Hải Phòng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đột phá như: Xây dựng, phát triển, hiện đại hoá đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của TP Cảng biển; Tập trung cao cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; đẩy nhanh tốc độ phát triển và mở rộng không gian đô thị về 3 hướng đột phá là Đông Nam, Bắc và Tây Nam.
Bên cạnh đó, TP đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN; triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, chú trọng quan tâm cho công tác giải phóng mặt bằng (có mặt bằng sạch) sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới; Ưu tiên phát triển ngành CN chế biến, chế tạo, CN công nghệ cao, thân thiện môi trường đưa Hải Phòng trở thành một trung tâm CN lớn của cả nước.
TP cũng đang tập trung, chú trọng cho phát triển du lịch Hải Phòng xứng đáng với những tiềm năng và lợi thế của TP Cảng. Hạ tầng du lịch đã tăng trưởng đáng kể về cả quy mô và chất lượng. Số cơ sở lưu trú hiện có tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao là 16 cơ sở (tăng gấp 1,14 lần so với năm 2020, trong đó 7 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao). Đặc biệt, TP đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút lượng lớn khách du lịch như: du lịch ẩm thực Food tour Hải Phòng kết hợp khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; sản phẩm Hải Phòng City tour (mô hình check in Hải Phòng; sản phẩm Free Walking tour)…
Hải Phòng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông |
Sớm xử lý, tháo gỡ vướng mắc
Để tiếp tục phát huy những lợi thế, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh, TP cần tập trung một số nhiệm vụ cấp thiết, huy động các nguồn cho phát triển KT-XH. Hải Phòng cần sớm cụ thể hoá các cơ chế đặc thù đã được nêu tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội. Khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 -2023, tầm nhìn đến năm 2050; xác lập định hướng phát triển không gian KT-XH, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục bám sát các Bộ, ngành sớm nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ đối với các kiến nghị, đề xuất của TP đã được Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo.
Xây dựng các đề án tạo động lực phát triển KT-XH của TP trong giai đoạn tiếp theo như: Đề án thành lập Khu kinh tế (KT) ven biển phía Nam TP trên cơ sở kết nối đường cao tốc ven biển; Cảng Nam Đồ Sơn và Sân bay Tiên Lãng theo quy hoạch nhằm mở rộng không gian phát triển KT Hải Phòng; Đề án Xây dựng phát triển TP trở thành Trung tâm Logistics quốc tế hiện đại, gắn với Cảng biển quốc tế kết nối với các tuyến hành lang, vành đai KT; Đề án Xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về biển.
TP cần tập trung cao trong công tác thu ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng mặt bằng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển KT-XH; tăng cường khai thác các nguồn thu, tạo lập nguồn thu mới, nhất là nguồn thu lớn, có tính bền vững gắn với rà soát quản lý hiệu quả các nguồn thu, tăng cường các giải pháp chống thất thu ngân sách…
Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn TP mới tại Thuỷ Nguyên |
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cũng yêu cầu, TP cần chú trọng tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, nhằm giải quyết mạnh mẽ vấn đề việc làm và tạo nguồn thu có tính bền vững. Thu hút các tập đoàn KT tư nhân lớn, giữ vai trò dẫn dắt, có sức lan toả đầu tư vào TP; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các đối tác truyền thống, nghiên cứu mở rộng thu hút đầu tư từ các khu vực phát triển mới… TP cần sớm nghiên cứu xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
“Hải Phòng cần tập trung để đẩy nhanh hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn TP, đặc biệt là các dự án trọng điểm”, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu lưu ý. Do đó, TP cần sớm xử lý, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Đặc biệt là các dự án có tác động lớn đến phát triển KT-XH TP, đẩy mạnh các biện pháp cải cách hành chính, tạo môi trường hành chính minh bạch, phục vụ nhân dân, làm động lực cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững.
Tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn TP Hải Phòng từ đầu nhiệm kỳ đến nay ước đạt trên 9,36 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất CN trong giai đoạn 2021 - 2022. TP tiếp tục thu hút các Dự án có công nghệ cao, có những sản phẩm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: máy phát điện gió, dây dẫn điện, phụ tùng ô tô, điện tử, điện lạnh… Trong ngành CN ô tô, TP Hải Phòng đã có dòng sản phẩm ô tô điện, xe bus điện thân thiện môi trường, lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Bắc châu Mỹ; TP tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền KT theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: CN công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại…