Đảm bảo việc thi hành đối với 100% bản án
Trao đổi với PLVN, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng Phạm Văn Phích cho biết, khác với THADS, THA hình sự, về cơ chế THA hành chính có sự khác biệt. Nếu như là THADS, THA hình sự, pháp luật quy định một chủ thể thứ ba được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì THA hành chính được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người THA. Theo đó, người phải THA (thường là Chủ tịch UBND các cấp, cơ quan nhà nước) có trách nhiệm (tự mình) nghiêm chỉnh chấp hành các nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa. Tòa án tham gia quá trình này với vai trò là cơ quan đã ra phán quyết về vụ án hành chính có thẩm quyền ra quyết định buộc thi hành bản án hành chính trong trường hợp người phải THA vi phạm nghĩa vụ tự nguyện THA. Cơ quan THADS tham gia vào quá trình này với vai trò là cơ quan theo dõi THA hành chính.
Tính đến 31/12/2019, Hải Phòng có 4 án hành chính cần phải theo dõi, trong đó hầu hết liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ. Cục trưởng Cục THADS TP Trần Hồng Quang nhận định, Hải Phòng hiện không có bản án, quyết định hành chính nào quá khó khăn vướng mắc, phức tạp. Ngay từ khi Luật tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THA hành chính và xử lý trách nhiệm của người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực, Hải Phòng đã có định hướng chỉ đạo quyết liệt. Cục THADS TP phải phối hợp chặt chẽ với TAND TP trong việc thống kê, chuyển giao kết quả xét xử về án hành chính. Không chỉ vậy, UBND TP cũng yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện đưa việc kiểm tra công tác hành chính trở thành một nội dung trong kế hoạch công tác năm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, tháo gỡ khó khăn và nâng cao chất lượng THA.
Đối với những bản án, quyết định nếu có khó khăn, vướng mắc, phức tạp cần có sự phối hợp liên ngành để tìm hướng giải quyết, báo cáo cấp ủy địa phương, cơ quan quản lý nhà nước cấp trên trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc, đảm bảo việc thi hành đối với 100% bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính.
Do đó, Hải Phòng không có trường hợp nào phải áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghĩa vụ trong THA hành chính, không ai bị kỷ luật hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vẫn còn vướng mắc
Mặc dù số lượng án hành chính khá ít, tuy nhiên, Cục trưởng Trần Hồng Quang cho rằng công tác theo dõi vẫn còn khó khăn, vướng mắc nhất định. Trước tiên, việc THA phụ thuộc vào tính tự giác của các cơ quan Nhà nước. Cơ quan THA tác động THA bằng cách ra thông báo tự nguyện THA, đôn đốc người phải THA bằng văn bản mang tính đề nghị phối hợp, áp dụng các chế tài theo quy định của Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ đối với cơ quan, tổ chức chậm thi hành trên thực tế cũng chưa triệt để. Ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động THA hành chính của một số cơ quan, tổ chức còn hạn chế. Vẫn còn bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành kịp thời, nghiêm túc.
Hiện nay, cơ quan THADS luôn phải thi hành số lượng việc rất lớn với tính chất phức tạp ngày càng tăng, việc bổ sung thêm nhiệm vụ đôn đốc THA hành chính đang dẫn đến quá tải trong công việc.
Cục trưởng Cục THADS TP Hải Phòng Trần Hồng Quang chia sẻ, để giải quyết “gốc rễ” các vướng mắc của việc theo dõi THA hành chính thì yêu cầu quan trọng hàng đầu là Chủ tịch UBND các cấp, cơ quan nhà nước phải rà soát kỹ lưỡng văn bản để ban hành quyết định hành chính đúng quy định đồng thời phải làm tốt công tác hòa giải để đem lại lợi ích chính đáng cho người dân, tránh phát sinh khởi kiện.