Thành phố Cảng - tốp đầu chính sách về an sinh xã hội
Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội cho thấy một số cơ chế, chính sách đặc thù của Hải Phòng đã thực hiện, đạt được một số kết quả nhất định nhưng chưa tạo ra sự phát triển đột phá cho TP như kỳ vọng. Một số cơ chế, chính sách còn chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm; còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực lan tỏa…
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, HĐND TP đã ban hành 12 Nghị quyết, UBND TP ban hành 04 Quyết định, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội, Hải Phòng được áp dụng thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù. Sau ba năm thực hiện, đối với việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, trong 2 năm 2021 và 2022, TP được Trung ương phân bổ thưởng vượt thu theo cơ chế đặc thù với tổng số tiền hơn 2.700 tỷ đồng.
UBND TP hoàn thành phê duyệt đồ án Điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, trên cơ sở đó đưa khoảng 1.400 ha đất công nghiệp thuộc 3 khu công nghiệp trong phạm vi điều chỉnh cục bộ vào khai thác; thực hiện chi thu nhập bình quân tăng thêm cho hơn 38.000 cán bộ, công chức, viên chức với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng/năm… Những kết quả trên có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức TP...
Cụ thể, một số chính sách đặc thù như: Chính sách về quản lý quy hoạch đã phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh, thúc đẩy sớm việc thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Trên cơ sở quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025, ngày 02/12/2023, TTg Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, đặt trong mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực ĐBSH, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Thành phố cũng kịp thời điều chỉnh, cho ý kiến một số quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chung đô thị để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch trong xây dựng và phát triển TP Hải Phòng.
Các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí đã khuyến khích TP phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước vừa đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương vừa để Trung ương có cơ sở hỗ trợ bổ sung nguồn lực cho ngân sách TP.
Trên cơ sở nguồn lực hiện có, TP đã ban hành 02 Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực 15.475,62 tỷ đồng để thực hiện Chương trình, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu mà Nghị quyết XVI Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra. Chương trình NTM kiểu mẫu đã góp phần quan trọng, xây dựng NTM đồng bộ, bộ mặt nông thôn được thay đổi căn bản, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại, gắn với quá trình đô thị hoá…
![]() |
Hải Phòng tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. |
Chính sách về quản lý đất đai giúp TP Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho TP trong việc thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội…
Bên cạnh đó, Hải Phòng ban hành các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội ở mức vượt trội so với nhiều địa phương trong cả nước như: Tặng quà gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong dịp lễ, tết với kinh phí 580 tỷ đồng/năm (cao nhất cả nước); Chính sách mới đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở với kinh phí 455 tỷ đồng/năm; Chế độ dinh dưỡng đặc thù và mức thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích tại các giải thể thao quốc gia với dự kiến kinh phí gần 40 tỷ đồng/năm (đứng ở tốp đầu cả nước); Chính sách về hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành y tế với tổng kinh phí dự kiến thực hiện giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 315,8 tỷ đồng…
Việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên được đánh giá là những “điểm sáng”, giúp Hải Phòng tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo Nhân dân thành phố.
Những cơ chế vượt trội, sẽ khai thông “điểm nghẽn”
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội, thành phố cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước...
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng để khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan toả lớn trong vùng ĐBSH và đóng góp lớn hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước là cần thiết và phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW.
![]() |
Hải Phòng đang khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. |
Tại dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ đã đề xuất 41 chính sách đặc thù thuộc 6 nhóm lĩnh vực, nhằm tạo đột phá cho Hải Phòng trong phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, và thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới. Những cơ chế vượt trội này hứa hẹn khơi thông các điểm nghẽn, giúp Hải Phòng trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ của vùng ĐBSH và cả nước như kỳ vọng đề ra.
Dự thảo đề xuất 41 chính sách cụ thể, chia thành sáu nhóm, tập trung vào quản lý đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch - đô thị, khoa học - công nghệ, thu nhập cán bộ, và thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới.
Trong lĩnh vực đầu tư, Hải Phòng sẽ được phân cấp mạnh mẽ, cho phép UBND thành phố chấp thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án bến cảng quy mô từ 2.300 tỷ đồng trở lên. Đồng thời quản lý các tuyến đường thủy nội địa quốc gia và cảng, bến thủy nội địa. Những chính sách này giúp địa phương chủ động thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng, và tăng năng lực vận tải, từ đó thúc đẩy kinh tế cảng biển và logistics.
Về tài chính và ngân sách, theo dự thảo Hải Phòng được phép vay nợ tối đa 120% số thu ngân sách địa phương, nhận bổ sung 70% số tăng thu từ xuất nhập khẩu để đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, và đảo Bạch Long Vĩ. Thành phố cũng được thí điểm cơ chế phí, lệ phí và chính sách tài chính giảm phát thải khí nhà kính qua tín chỉ carbon, tương tự các địa phương như TP.HCM và Đà Nẵng. Những cơ chế này không chỉ tăng nguồn lực tài chính mà còn khuyến khích cho TP phát triển bền vững.
Quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường là nhóm chính sách trọng tâm với 09 cơ chế, trong đó nổi bật là rút gọn thủ tục lập quy hoạch chi tiết còn ba tháng; bán nhà ở chung cư công cho các hộ dân đang thuê nhà hoặc mua nhà ở xã hội; và phân cấp thu hồi đất, cho thuê đất cho các dự án logistics, khu công nghiệp trên 100 ha… Hy vọng với những chính sách mới tới đây được Quốc hội thông qua, sẽ giúp Hải Phòng tận dụng tối đa nguồn lực đất đai, chỉnh trang đô thị, và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên với tám chính sách, bao gồm miễn thuế thu nhập DN và cá nhân trong 10 năm cho các DN khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ không hoàn lại cho nghiên cứu, và thí điểm phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm công nghệ, tạo động lực mới cho Hải Phòng trong kỷ nguyên số.
![]() |
Khu kinh tế tại Hải Phòng đang được lấp đầy, kỳ vọng thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển cho TP Cảng. |
Về chế độ cán bộ, thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương dư để tăng thu nhập cho công chức, viên chức với mức tối đa 0,8 lần lương cơ bản, nhằm nâng cao hiệu quả công việc và thu hút nhân tài.
Điểm nhấn lớn nhất là việc thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng, với 17 chính sách ưu đãi về thủ tục hành chính, đất đai, thuế, và xuất nhập cảnh. Khu vực này, gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và Khu kinh tế ven biển phía Nam, được kỳ vọng thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, và phát triển nghiên cứu công nghệ, từ đó nâng tầm vị thế của Hải Phòng trong khu vực.
Thực tế, Hải Phòng đã đạt tăng trưởng kinh tế cao, đóng vai trò động lực trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, TP Cảng vẫn đang phải “đối mặt” với những hạn chế như quy mô kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, cơ cấu thu ngân sách phụ thuộc lớn vào FDI, hạ tầng chưa đồng bộ, và thiếu đột phá trong khoa học, công nghệ. Nghị quyết 35/2021/QH15 dù mang lại một số kết quả, nhưng chưa tạo được sự bứt phá do thiếu cơ chế vượt trội và chậm triển khai.
Với 41 chính sách đặc thù, dự thảo Nghị quyết không chỉ là công cụ pháp lý mà còn là đòn bẩy chiến lược, giúp Hải Phòng khai thác tối đa tiềm năng, đóng góp mạnh mẽ vào mục tiêu tăng trưởng hai con số của cả nước. Việc Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết này sẽ là bước ngoặt, khẳng định vai trò tiên phong của Hải Phòng trong hành trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...