Nước “sạch” không sạch
Hiện nay, toàn huyện Tiên Lãng có 20 nhà máy nước nhỏ được xây dựng theo chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn do UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt. Nhà máy có công suất hoạt động lớn nhất là 500m3/ ngày đêm, trung bình là 200m3/ngày đêm, còn nhỏ là 100m3/ngày đêm. Với quy mô được phê duyệt, mỗi nhà máy phục vụ nhu cầu nước sạch cho 1 xã, chính vì vậy các xã rất khó khăn trong việc xác định vị trí và đặt điểm lấy nước.
Trong số 20 nhà máy nước đang hoạt động thì chỉ có nhà máy nước Tiên Cường và Đại Thắng là lấy nguồn nước từ sông còn lại các nhà máy khác đều lấy nước từ kênh Trung thủy nông và kênh trục 1. Trước tình trạng nguồn nước cung cấp cho các nhà máy ngày càng ô nhiễm nên chất lượng nước sạch được cung cấp cho người dân không đảm bảo chất lượngnước dùng sinh hoạt theo đánh giá của Bộ Y tế là thực tế. Thậm chí, nước “sạch” cấp đến các hộ dân của một số nhà máy nước nhỏ này còn ô nhiễm đến mức không thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo anh Vũ Văn Phước, thôn Đồng Chua, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng cho biết, nhà anh được cấp nước từ nhà máy nước An Thạch, xã Kiến Thiết. Nhưng thời gian gần đây chất lượng nước không đảm bảo. Là nước sạch nhưng khi thì nồng nặc mùi hóa chất, lúc thì đục ngòm. Hơn nữa, nguồn nước không ổn định, lúc có, lúc không. “Khi đang rửa xe cho khách thì mất nước lại phải xuống mương múc nước lên dùng. Tôi cũng đã phản ánh nhiều lần với Giám đốc nhà máy nước nhưng tình trạng này không được khắc phục”, anh Vũ Văn Phước cho biết.
Không chỉ xảy ra đối với gia đình anh Vũ Văn Phước mà nhiều gia đình khác cũng gặp cảnh tương tự. Ông Lê Văn Thép thì cho biết, nước sạch được mua từ nhà máy nước An Thạch chỉ dám dùng rửa tay, rửa chân chứ không dám đun nấu vì thấy nước đục và nhiều lần mở vòi nước ra còn thấy có sinh vật màu đen đen giống con đỉa rất sợ. Việc có sinh vật “lạ” trong nước cũng được gia đình ông Vũ Văn Vo, thôn Tuần Tiến nhiều lần phản ánh lên UBND xã Kiến Thiết về hiện tượng này.
Trao đổi với phóng viên về thực trạng trên, ông Vũ Ngọc Ngưng, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết khẳng định, lãnh đạo UBND xã cũng nhận được kiến nghị của nhân dân về tình trạng nước sạch được cung cấp tại nhà máy nước mi ni của xã có chất lượng kém, thậm chí có cả những sinh vật lạ hình thù giống con đỉa ở trong nước. Về việc chất lượng nước không đảm bảo thì lãnh đạo xã tiếp thu ý kiến của nhân dân và thông tin đến với lãnh đạo nhà máy nước để có biện pháp khắc phục. Đối với sự việc có sinh vật lạ trong nước thì UBND xã cũng chỉ nghe dân phản ánh lại.
Nguồn nước nhiễm bẩn?
Xã Kiến Thiết có 10 thôn với trên 3.000 hộ dân, khoảng 2.000 hộ dân dùng nước sạch nông thôn được cung cấp từ nhà máy nước mini. Nhà máy nước An Thạch cung cấp nước cho 9 thôn trong xã Kiến Thiết. Nhà máy nước khu vực cầu Đầm cung cấp nước cho thôn Tuần Tiến. Cả hai nhà máy nước này đều lấy nước từ dòng kênh cấp 1.
|
Một đoạn kênh dẫn nước được sử dụng làm nguồn cấp nước cho nhà máy sản xuất nước nhỏ ở Tiên Lãng |
Theo ghi nhận của phóng viên, tại vị trí đặt nhà máy xử lý nước An Thạch và Cầu Đầm nước dưới kênh rất đục. Đặc biệt, xung quanh dòng kênh cực kỳ ô nhiễm do việc chăn thả vật nuôi của nhiều hộ dân sống cạnh kênh. Hơn nữa, ngoài nước thải, rác thải sinh hoạt chất đống trên dòng kênh còn có cả nước thải từ phân bón, thuốc trừ sâu trên cánh đồng và từ mãi tha ma bên cạnh kênh. Vì vậy, nguồn nước để cung cấp cho hai nhà máy nước này không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, sông Hóa cách vị trí đặt nhà máy nước An Thạch chỉ vài trăm mét nhưng không hiểu vì lý do gì nước sạch được cung cấp cho bà con trong xã Kiến Thiết và 1 số xã lân cận lại được lấy từ dòng kênh cấp 1 cực kỳ ô nhiễm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Văn Lượng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Lãng thừa nhận, phản ánh của nhân dân về nguồn nước sạch được cung cấp từ nhà máy nước An Thạch và Cầu Đầm không đảm bảo là có căn cứ bởi chất lượng nguồn nước cung cấp cho các nhà máy đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước thông tin người dân phản ánh trong nước có sinh vật lạ, ông Lượng cho hay, sẽ cùng với chính quyền địa phương lắng nghe phản ánh của dân, nếu có hiện tượng đó phải yêu cầu doanh nghiệp khắc phục và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, theo ông Lượng hiện tượng này khó xảy ra nếu doanh nghiệp làm đảm bảo quy trình kỹ thuật cấp nước, vì trước đồng hồ nước còn có 1 màng bọc nên không thể có 1 sinh vật nào to bằng con đỉa có thể chui qua tấm màng đó, trừ khi nhà dân bơm nước lên téc chứa và không vệ sinh téc sạch sẽ.
Nước sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Việc cấp nước không đảm bảo chất lượng không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt mà còn nguy cơ gây ra các loại bệnh tật nguy hại. Do vậy, các cơ quan chức năng huyện Tiên Lãng cần phải có những động thái tích cực yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng cải tạo hệ thống kỹ thuật cung cấp nước để khắc phục tình trạng trên.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.