Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hải Phòng, Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất Miền Bắc, với hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có 16 sông chính, nổi tiếng nhất là sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc và sông Thái Bình. Bởi vậy Hải Phòng được gọi là TP của những dòng sông, TP của những cây cầu. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa - lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Những dòng sông ở Hải Phòng từ lâu đã trở thành những “chứng nhân” của lịch sử. Từ ngàn xưa, nữ tướng Lê Chân đã lựa chọn vùng đất bồi màu mỡ ven bờ sông Cấm để khai hoang lập trang An Biên, tiền thân của TP Hải Phòng ngày nay.
Bạch Đằng Giang là dòng sông huyền thoại, linh thiêng và hào hùng vào bậc nhất Việt Nam, nơi gắn liền với 3 trận đại chiến lừng lẫy.
Sông Cấm là biểu tượng của sự hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai xán lạn của thành phố.
Ba hành lang cảnh quan sông: sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc sẽ là hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm của phát triển du lịch đường sông Hải Phòng.
![]() |
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã lý giải nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông Hải Phòng do hạ tầng giao thông đường thủy còn kém. Các cảng, các bến tàu của Hải Phòng là cảng tổng hợp và hàng hóa, không có bến du thuyền quốc tế, không có cảng tàu du lịch, tại nhiều điểm đến không có bến tàu. Một số luồng tuyến chưa được nạo vét thường xuyên, dẫn đến tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch.
Bên cạnh đó, Hải Phòng chưa có chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ. Cảnh quan sông để phát triển du lịch chưa được đầu tư đúng mức. Chưa phát triển các điểm trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, sinh thái, vui chơi giải trí ven sông…
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng và thực trạng, các chuyên gia đã đưa ra định hướng chiến lược để phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cần sớm xây dựng Đề án tổng thể phát triển du lịch đường thủy, xác định các tuyến trọng điểm, các điểm dừng chân, check-in, trung tâm đón khách. Song song đó là nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, từ nạo vét luồng lạch, xây dựng bến tàu, cầu cảng đến hệ thống dịch vụ đi kèm như: nhà hàng, khách sạn, khu trải nghiệm, chiếu sáng nghệ thuật ven sông…
![]() |
Quang cảnh hội thảo. |
Mặt khác, Hải Phòng cần tập trung vào các sản phẩm khai thác chiều sâu văn hóa, lịch sử gắn với các dòng sông; xây dựng các tour du lịch sông, biển kết nối nội đô với Cát Bà; thiết kế tàu du lịch theo phong cách riêng mang đậm bản sắc vùng đất cảng. Mỗi dòng sông phải là một “sản phẩm du lịch sống động”, kể lại câu chuyện riêng, gắn liền với cảnh quan và trải nghiệm đa dạng.
Hình thành các tour du lịch đường sông liên tỉnh sẽ giúp gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời góp phần phát triển kinh tế vùng một cách bền vững. Ngoài ra, cần thúc đẩy truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch đường sông Hải Phòng trên các nền tảng số, tổ chức các lễ hội văn hóa ven sông, tăng cường hợp tác công, tư để kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn lớn, tạo đà cho ngành du lịch phát triển đột phá…