Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu thông tin về tình hình kinh tế xã hội của Thành phố (TP). Hiện nay, Hải Phòng đang tiếp tục tập trung để phát triển thêm 20 Khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 7.000 ha. Đặc biệt, TP đã được Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có diện tích khoảng 20.000 ha - là khu kinh tế ven biển tổng hợp theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
![]() |
Lãnh đạo TP Hải Phòng tiếp và làm việc với đoàn Đại biểu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. |
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng cho biết, sau chuyến thăm Hải Phòng của Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh vào tháng 8 năm ngoái, với sự thúc đẩy tích cực của cả 2 bên, tuyến bay thẳng quốc tế Nam Ninh - Hải Phòng chính thức được khai thông từ ngày 7/1 năm nay đã, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu, hợp tác giữa lãnh đạo và nhân dân hai địa phương.
![]() |
Đoàn đại biểu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc thăm và làm việc tại Hải Phòng. |
Để thúc đẩy sâu sắc quan hệ hợp tác giữa hai địa phương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy hợp tác kênh Đảng và Chính quyền trên các lĩnh vực. Với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo hai địa phương, đặc biệt là của Bí thư Khu ủy Trần Cương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng tin tưởng hai bên sẽ có nhiều thành quả hợp tác tích cực trong tương lai.
Thay mặt cho đoàn công tác, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Trần Cương trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo TP. Với những đề xuất của TP, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường giao lưu hợp tác, đẩy mạnh kinh tế hợp tác kinh tế thương mại.
![]() |
Lễ ký kết bản ghi nhớ giữa UBND TP Hải Phòng và Chính quyền nhân dân TP Nam Ninh. |
Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và lãnh đạo TP Hải Phòng, đại diện 2 địa phương và các đơn vị đã ký kết: Bản ghi nhớ về kế hoạch giao lưu hợp tác năm 2025 giữa UBND TP Hải Phòng và Chính quyền nhân dân TP Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; Thỏa thuận Khung hợp tác giữa Công ty Cổ phần Khu công nghiệp và Cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện với Công ty TNHH Vịnh Bắc Bộ Holdings (Hồng Kông, Trung Quốc) và Bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty cổ phần Shinec – Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền và Ban Quản lý Khu phát triển kinh tế và kỹ thuật Bắc Hải.
Cùng ngày, tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ (Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã hợp tác với Tập đoàn Cảng Vịnh Bắc Bộ - Quảng Tây (Trung Quốc) kết nối hãng tàu Zhonggu tổ chức lễ ra mắt tuyến dịch vụ mới Cảng Vịnh Bắc bộ - Cảng Hải Phòng - Cảng Kolkata.
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương tuyến dịch vụ Cảng Vịnh Bắc Bộ-Cảng Hải Phòng-Cảng Kolkata. |
Sự kiện có ý nghĩa đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và logistics giữa hai TP Quảng Tây – Hải Phòng cũng như hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIMC khẳng định, tuyến dịch vụ này có ý nghĩa vượt xa một tuyến đường đơn thuần, phản ánh sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng khu vực, sự thay đổi trong cán cân thương mại, và hơn hết, là sự chủ động nắm bắt cơ hội của những đơn vị tiên phong trong ngành hàng hải.
Việc thiết lập tuyến kết nối trực tiếp từ Hải Phòng đến Kolkata không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các thị trường đầy tiềm năng.
Tại buổi lễ, ông Lưu Thắng Hữu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Cảng vụ quốc tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây cũng nhấn mạnh: Đây là hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Trung-Việt sâu sắc và thực chất. Năm 2024, Công ty TNHH Tập đoàn Cảng vụ quốc tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây đã ký Thỏa thuận khung hợp tác chiến lược với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Cả hai bên đã hợp tác chặt chẽ với Công ty Logistics thuộc Tập đoàn vận tải biển Zhonggu và các đối tác khác, nỗ lực không ngừng trong hơn một năm qua để ra mắt thành công tuyến dịch vụ này, với lịch tàu một chuyến trong ba tuần.
Tuyến dịch vụ mới này nối từ Cảng Vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây,Trung Quốc) qua Cảng Hải Phòng (Việt Nam) đến Cảng Kolkata (Ấn Độ), kết nối khu vực Quảng Tây của Trung Quốc với khu vực miền Bắc Việt Nam, miền Đông Ấn Độ và khu vực Bangladesh. Đây là tuyến tàu container công cộng đầu tiên được ra mắt giữa Cảng Vịnh Bắc Bộ và Cảng Hải Phòng.
Hàng hóa vận chuyển bao gồm: hàng xuất khẩu từ Trung Quốc như kính, sản phẩm giấy, pin lưu trữ năng lượng... và hàng nhập khẩu như vụn gỗ, tinh bột, gia vị, đá cát kết và thực phẩm,…