Hải Phòng: Tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để duy trì sức hấp dẫn và giữ vững vị trí trong tốp đầu những địa phương thu hút đầu tư lớn nhất cả nước, TP Hải Phòng đang đẩy mạnh, đổi mới các phương thức đầu tư, tối ưu hóa quỹ đất sản xuất, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, và ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Hải Phòng có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ cùng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng.
Hải Phòng có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ cùng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng.

Khẳng định vị thế

Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ cùng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, Hải Phòng đã và đang khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều năm liền, TP liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Trong 2 năm liên tiếp (2023 – 2024), Hải Phòng đứng thứ hai toàn quốc về thu hút vốn FDI. Quý I/2025, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn TP đạt 372,03 triệu USD, tăng 46,84% so với cùng kỳ, đạt 8,27% kế hoạch năm. Hải Phòng có 1.063 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 34,62 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ​. Những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư đã trở thành động lực then chốt thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của TP.

Những năm gần đây, kinh tế TP Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế thường xuyên duy trì vị trí thứ hai Vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. Quy mô năm 2024 gấp 5,16 lần năm 2010, gấp 3,4 lần năm 2015 và 2,34 lần năm 2020, Hải Phòng vươn lên nằm trong top 5 địa phương có quy mô GRDP lớn nhất cả nước, cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai – khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của TP đối với sự phát triển kinh tế của cả nước.

Trong 2 năm liên tiếp (2023 – 2024), Hải Phòng đứng thứ hai toàn quốc về thu hút vốn FDI

Trong 2 năm liên tiếp (2023 – 2024), Hải Phòng đứng thứ hai toàn quốc về thu hút vốn FDI

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế TP tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng hiện đại hóa, đô thị hóa đã được đặt ra. Sự chuyển đổi này được thể hiện qua tỷ trọng GRDP của các nhóm ngành như: Nông, lâm, thủy sản giảm còn 3,15% năm 2024; tỷ trọng GRDP của các nhóm ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng từ 84,81% năm 2003 lên 91,6% năm 2024. Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Cơ cấu kinh tế theo thành phần chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước, tăng kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong GRDP. Theo đó, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 đạt 845,54 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,3% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn. Điều này không chỉ phản ánh tính năng động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước mà còn cho thấy môi trường đầu tư của Hải Phòng ngày càng hấp dẫn và minh bạch.

Đặc biệt, trong 4 năm liên tiếp (2021–2024), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt mốc 100.000 tỷ đồng, đứng trong top đầu cả nước, là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển hạ tầng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Dây chuyền sản xuất ô tô điện tại Nhà máy Vinfast Hải Phòng.

Dây chuyền sản xuất ô tô điện tại Nhà máy Vinfast Hải Phòng.

Sau 16 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế đầu tiên của Hải Phòng (Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải), cuối năm 2024, TP Hải Phòng đã được phê duyệt thành lập Khu kinh tế thứ hai là Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòngvới quy mô 20.000 ha. Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới, phát triển theo mô hình xanh - thông minh - toàn diện, nâng tầm Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu quốc gia.

“Lối đi riêng” thu hút đầu tư

Để đạt được những kết quả vượt trội trong thu hút đầu tư, Hải Phòng đã lựa chọn “lối đi riêng” với tầm nhìn dài hạn. Khi kết hợp hài hòa giữa việc phát huy tối đa lợi thế tự nhiên, vị trí địa lý với sự năng động, sáng tạo, quyết liệt trong tư duy và hành động; sự đầu tư bài bản cho hạ tầng; sự kiên định với mục tiêu chất lượng và bền vững; và quan trọng nhất là sự cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo TP trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Ngọc Tú, TP Hải Phòng đã và đang khẳng định được vị thế là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước với những thành tựu đột phá và bền vững. TP Hải Phòng coi công tác cải cách thủ tục hành chính là một trong những ưu tiên hàng đầu, là khâu đột phá tạo môi trường, hành lang thông thoáng trong thu hút đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Với tinh thần “Chính quyền kiến tạo, phục vụ, luôn sát cánh - đồng hành - hỗ trợ hiệu quả cộng đồng doanh nghiệp”, lãnh đạo TP thường xuyên tổ chức các cuộc họp, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, nắm bắt và chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại địa phương; thành lập các Tổ công tác chuyên trách để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn trong triển khai dự án; chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án có sử dụng đất, tạo điều kiện tối đa để dự án sớm triển khai.

Hải Phòng tạo được sức hấp dẫn lớn với FDI nhờ nhiều hình thức xúc tiến đầu tư thiết thục, có trọng tâm, hiệu quả.

Hải Phòng tạo được sức hấp dẫn lớn với FDI nhờ nhiều hình thức xúc tiến đầu tư thiết thục, có trọng tâm, hiệu quả.

Trong quá trình đẩy mạnh thu hút đầu tư, phương thức xúc tiến đầu tư luôn được TP chú trọng đổi mới như: Xúc tiến đầu tư tại chỗ, ra nước ngoài và hợp tác xúc tiến đầu tư với tỉnh, TP trong các vùng kinh tế trọng điểm, mọi vùng miền, khu vực trên cả nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư. Mặt khác, TP luôn kiên định quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, ưu tiên lựa chọn các dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, thân thiện môi trường, và có tác động lan tỏa tích cực. Trong quá trình thẩm định dự án đầu tư, kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng về an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, TP Hải Phòng đã và đang tập trung nguồn lực cho việc mở rộng không gian kinh tế, tạo nền tảng vượt trội với Khu Kinh tế ven biển phía Nam quy mô 20.000 ha, định hướng phát triển mô hình khu kinh tế xanh, sinh thái, hiện đại, ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo, logistics thông minh. Đồng thời, TP tiếp tục mở rộng, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu như: Tràng Duệ, Deep C, VSIP, Nam Đình Vũ, Nam Cầu Kiền và phát triển các khu công nghiệp mới; đẩy nhanh thủ tục triển khai các bến số 7, số 8 Khu bến cảng container tại Lạch Huyện; mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Cát Bi; tích cực phối hợp với Bộ ngành và các địa phương có liên quan để sớm có thể triển khai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm tiếp tục tạo động lực cho phát triển dịch vụ - logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có hoạt động đầu tư kinh doanh tại TP.

Song song đó, TP chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đảm bảo an sinh, thu hút và giữ chân người lao động, tạo lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực. Cuối năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển nhà ở xã hội TP đến năm 2030. Theo đó, lãnh đạo TP chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù về tài chính, đầu tư để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, phấn đấu giai đoạn 2022-2025, TP sẽ hoàn thành 15.400 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2025-2030 hoàn thành 18.100 căn.

Hải Phòng có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ.

Hải Phòng có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ.

Phấn đấu giữ vững vị trí tốp đầu

Hiện nay, sức ép cạnh tranh thu hút FDI giữa các địa phương ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, trước bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng từ chính sách áp thuế của Chính phủ Hoa Kỳ đối với hàng hoá đến từ Việt Nam. Để tiếp tục giữ vững vị thế tốp đầu, đặc biệt là thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, tập trung vào công nghệ cao, hướng tới thu hút các tập đoàn đa quốc gia có công nghệ tiên tiến; xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo và logistics.

TP sẽ tập trung hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại TP Hải Phòng trong năm 2025 nhằm góp phần cùng Khu kinh tế phía Nam tạo ra dư địa lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng trong tương lai. Đặc biệt, quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có khối doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối hiệu quả với doanh nghiệp FDI, tăng tỷ lệ nội địa hóa để có sức cạnh tranh tốt hơn, giảm thiểu rủi ro từ biến động chính sách, tạo sức mạnh cộng hưởng để góp phần cho kỷ nguyên vươn mình.

Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc hợp tác, phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong hoạt động quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong suốt 13 năm kể từ khi Bộ Nội vụ thực hiện đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính, Hải Phòng là địa phương duy nhất luôn xếp ở vị trí tốp đầu của bảng xếp hạng. Đặc biệt, năm 2024 vừa qua, Hải Phòng đứng đầu cả nước về 3 chỉ số: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX 2024); Chỉ số Hài lòng của người dân đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là minh chứng rõ ràng trong việc cố gắng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của TP, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

Đọc thêm