Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, thị trường vàng, ngoại tệ thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng, giá ngoại tệ trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Hiện tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ nổi lên khi giá vàng, tỷ giá ngoại tệ có sự chênh lệch so với các nước trên thế giới. Có thời điểm giá vàng miếng SJC chênh lệch cao so với giá vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng.
Vì vậy, Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch Kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Công văn số 4847/BTC-VP ngày 4/5/2024 và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường vàng, tiền tệ trong nước và phát triển xã hội; đồng thời để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.
Theo đó, toàn ngành tiếp tục phổ biến quán triệt, thực hiện nghiêm các biện pháp, giải pháp nêu tại Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp quản lý thị trường; Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng; Công văn số 03/BTC-BCĐ389 ngày 19/1/2024 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Công văn số 4847/BTC-VP ngày 4/5/2024 của Bộ Tài chính tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa; Công văn số 21/TCHQ-ĐTCBL ngày 2/1/2024 của Tổng cục Hải quan về tăng cường kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu mặt hàng vàng...
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, tuần tra khu vực cửa khẩu biên giới thuộc địa bàn hoạt động hải quan; sử dụng mạng lưới cơ sở bí mật, nắm chắc di biến động của đối tượng, lô hàng để phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức dừng bắt đúng thời điểm. Tổ chức xây dựng các hồ sơ nghiệp vụ cơ bản, xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiện tệ qua biên giới.
Tăng cường sử dụng các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan như máy soi chiếu container, máy soi chiếu hành lý, hệ thống camera giám sát trực tuyến, xe giám sát trực tuyến... và nâng cao năng lực của công chức hải quan kiểm hóa, giám sát tại cửa khẩu và công chức thực hiện soi chiếu, phân tích đánh giá hình ảnh qua máy soi, để đưa các lô hàng, hành lý, phương tiện có nguy cơ rủi ro cao (trà trộn, trộn lẫn vàng với hàng hóa thông thường, ngụy trang vàng thành các loại hàng hóa khác) để đưa vào diện soi chiếu, kiểm tra thực tế nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Công chức Hải quan đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: H.P) |
Tổng cục Hải quan khẳng định, sẽ kiểm soát chặt chẽ kiểm tra hành lý của hành khách xuất nhập cảnh (bao gồm cả tiếp viên, tổ bay...), hàng hóa chuyển phát nhanh, tăng tỷ lệ kiểm tra đối với hành lý, hàng hóa chuyển phát nhanh xuất phát từ các quốc gia trọng điểm và các tuyến đường trọng điểm; đồng thời tiến hành kiểm tra chi tiết hành lý, các lô hàng nghi ngờ buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua trái phép qua biên giới và tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thu thập, xử lý thông tin, phân tích rủi ro các lô hàng trọng điểm, đối tượng trọng điểm, đồng thời tăng cường kiểm tra có mục tiêu đối với các doanh nghiệp, cá nhân có rủi ro cao, các hành vi khai sai, khai khống nhằm chuyển ngoại tệ trái phép ra nước ngoài.
Phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tra chống buôn lậu để trao đổi thông tin với Hải quan các nước, Interpol, WCO, các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước và các lực lượng chức năng trên địa bàn (công an, cảng vụ, biên phòng) để trao đổi, chia sẻ thông tin, tổ chức phối hợp tuần tra, kiểm soát, đấu tranh chuyên án, đặc biệt là các chuyên án đấu tranh với các đường dây buôn lậu vàng, chuyển tiền bất hợp pháp xuyên quốc gia; kịp thời báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động quần chúng nhân dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiện tệ qua biên giới.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xây dựng, triển khai Kế hoạch này tại địa bàn quản lý trước ngày 17/5 và thời gian bắt đầu triển khai từ ngày 20/5/2024 đến 20/5/2026. Đồng thời, giao Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác thu thập, phân tích thông tin nghiệp vụ hải quan, kịp thời dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới và xây dựng các cảnh báo, hướng dẫn nghiệp vụ về phương thức thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm, điểm nóng... có rủi ro cao về buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.