Ảnh minh họa |
Theo đó, các đơn vị hải quan trên cả nước phải tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xuất xứ hàng hóa; Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa; Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quy trình kiểm tra xác định xuất xứ ban hành kèm theo Quyết định 4286/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo, trường hợp có nghi vấn liên quan đến khai báo xuất xứ, các thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa như: Không phù hợp thông tin về hàng hóa khai báo trên chứng nhận xuất xứ hàng hóa và thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa (tên hàng hóa, tên và địa chỉ có tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, mã vạch thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu so với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan), chi cục hải quan nơi làm thủ tục hải quan chủ động chuyển luồng để kiểm tra thực tế hàng hóa xác minh nghi vấn.
Khi phát hiện có vi phạm về xuất xứ, nhãn hàng hóa, các cục hải quan tỉnh, thành phố phải báo cáo kèm hồ sơ liên quan về Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan).