Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh trong nước và nước ngoài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất nhập khẩu nói chung và các cửa khẩu biên giới nói riêng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tối đa
Để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/03/2020, Tổng cục Hải quan không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm; đồng thời không để DN lợi dụng chủ trương này để vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã có một số công văn gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Để đảm bảo công tác giám sát, quản lý đối với hành lý của khách nhập cảnh đến hoặc từ vùng có dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan có Công văn số 1723/TCHQ-GSQL ngày 18/3/2020 hướng dẫn thực hiện thủ tục hành lý của khách nhập cảnh, trong đó các chi cục hải quan quản lý các sân bay quốc tế thực hiện thủ tục, giám sát hải quan đối với hành lý của khách nhập cảnh.
Cụ thể: Cơ quan hải quan chỉ áp dụng thủ tục kiểm tra hành lý đối với các trường hợp đã có cơ sở nghi vấn sai phạm. Đối với hành lý xách tay: bố trí cán bộ, công chức hải quan thực hiện giám sát hành lý tại khu vực tàu bay nhập cảnh dừng đỗ.
Trường hợp khách nhập cảnh khai báo có hành lý phải khai hải quan, thực hiện kiểm tra tại khu cách ly, nếu hành lý lưu giữ tại cảng hàng không thì thực hiện kiểm tra khi khách đến nhận hàng.
Về tình hình thông quan hàng hóa và gỡ khó đối với lượng hàng hóa xuất khẩu ùn ứ tại các cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hải quan Lạng Sơn đang triển khai đàm phán với Hải quan Hà Nam Ninh khu vực của Trung Quốc về việc xuất nhập khẩu tại đường bộ Cửa khẩu Bình Nghi và phương án đưa lao động Việt Nam qua bốc xếp hàng hóa sang tải tại bãi xe Trung Quốc nhằm nâng cao năng lực thông quan nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Hải quan Lào Cai phối hợp với Trung Quốc thực hiện giải pháp cho lái xe, người giao hàng Trung Quốc sang Việt Nam chở hàng đến khu vực giao hàng tại cửa khẩu, không đi sâu vào nội địa, người điều khiển phương tiện phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang phòng dịch.
Không lơ là chống buôn lậu
Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn không hề hạ nhiệt. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục phải tăng cường công tác phòng chống buôn lậu khẩu trang qua biên giới và đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ việc buôn lậu mặt hàng khẩu trang qua biên giới sát Campuchia và Trung Quốc.
Trong quý I/2020, lực lượng Hải quan toàn quốc đã bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng không có tính chất phức tạp. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: Sản phẩm động vật hoang dã (sừng tê giác), đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, điện, gỗ, gia cầm, sản phẩm gia cầm… được các đối tượng vận chuyển qua các tuyến: hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ.
Ngoài ra, một số cục hải quan tỉnh, thành phố đã phát hiện một số DN đã có hành vi vi phạm khai báo sai về nhãn mác, xuất xứ, chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp. Tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam tại các tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh…vẫn còn rất nóng với các thủ đoạn hết sức tinh vi và số lượng ma túy bị bắt giữ lớn. Trên các tuyến hàng không bưu điện chưa phát hiện vụ việc vận chuyển ma túy.
Trước tình hình trên, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
Chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng, trong đó tập trung vào: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm.
Kết quả, tính từ 16/2 đến 15/03/2020, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.130 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 219,588 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 22,665 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 4 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ.