In “kẹp” hơn 100 hóa đơn mua hàng nhưng không bị phát hiện...
Theo cáo trạng, Phạm Bằng Tâm vốn là sinh viên đại học trên địa bàn Hà Nội đồng thời là nhân viên hợp đồng của Siêu thị Metro Thăng Long (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Tại siêu thị, Tâm được phân công nhiệm vụ chuyên điều phối hàng hóa. Cụ thể, Tâm phải đi thu gom từng hóa đơn do các khách hàng mua hàng gửi đến rồi vào kho lấy hàng cho xe tải chuyển đến tận nhà những người mua. Tâm đã lợi dụng việc này để trộm cắp hàng hoá trong siêu thị.
Theo đó, quy định của Metro Thăng Long thì với mỗi đơn hàng, nhân viên điều phối chỉ được phép in ra 2 liên. Trong đó, liên 1 bàn giao cho bộ phận kế toán, còn liên 2 giao cho khách. Trong một lần đang in hóa đơn thì phát hiện máy in bị kẹp giấy, cuộn tròn lại nên Tâm nghĩ ra cách kẹp thêm 1 liên hóa đơn cùng với 2 liên hóa đơn được phép in theo quy định của siêu thị. Bằng thủ đoạn này, Tâm đã in khống 107 hóa đơn mua bán các loại của khách hàng, từ những lốc nước ngọt, dầu ăn, mỳ chính, sữa tươi, bia đến nồi cơm điện, bếp ga.
Thậm chí có những hóa đơn bảo vệ để sót, chưa kịp đóng dấu đã ra hàng, Tâm cho quay vòng trở lại để lấy hàng tiếp. Số hàng này Tâm mang về phòng trọ hoặc gửi về quê sử dụng, phần lớn đem bán cho các cửa hàng tạp hoá để lấy tiền... gửi vào tài khoản ATM.
Từ cuối năm 2013 đến tháng 1/2015, Tâm đã in “kép” trót lọt 107 hóa đơn lấy hàng và chiếm đoạt tổng số hàng hóa tương ứng với hơn 310 triệu đồng của siêu thị. Ngoài ra, trong tháng 10/2014, đối tượng còn 3 lần cấu kết với Hồ Sỹ Mạnh, là nhân viên điều hành vận tải của siêu thị chiếm đoạt số hàng hóa của siêu thị, trị giá 11,5 triệu đồng.
Trong đó có 1 lần do in nhầm số lượng đơn hàng (từ 10 thùng in thành 1 thùng) nhưng Mạnh vẫn xuất hàng cho khách, lấy tiền 10 thùng và nộp tiền cho siêu thị 1 thùng, còn lại chia nhau và 2 lần quay vòng đơn hàng do bảo vệ bỏ sót chưa kịp đóng dấu.
12 trang cáo trạng được đại diện VKSND TP Hà Nội đọc tại phiên tòa quanh đi quẩn lại chỉ toàn các mặt hàng tiêu dùng, sang nhất là... một chiếc bếp từ và một nồi cơm điện. Một chiến sĩ công an dẫn giải đã xót ruột mà cảm thán rằng “trông Tâm rất khôi ngô. Không ngờ dầu ăn, mỳ tôm, nước ngọt lại đủ sức nặng để đè bẹp ý chí của một cậu sinh viên, đưa cậu ấy vào tù”.
Cũng liên quan đến vụ án, 3 nhân viên điều phối giao hàng và bảo vệ cũng bị phát giác lấy trộm thịt bò, thịt lợn mang về nhà sử dụng, tổng số tiền chưa đến 2 triệu đồng nên chỉ bị phạt hành chính sau khi đã khắc phục thiệt hại cho siêu thị. Đối với bị cáo Tâm, ngay sau khi sự việc bị phát hiện, Tâm đã bị cơ quan điều tra áp tải, rút toàn bộ số tiền 363 triệu trong tài khoản để trả lại siêu thị.
Chiếm đoạt tiền để... cất đi
Mọi người có mặt trong phiên tòa đều xót xa khi Tâm khai, toàn bộ số tiền trong tài khoản không phải chỉ riêng tiền chiếm đoạt được. Bởi trong số đó có cả tiền bố mẹ gửi từ quê cho Tâm ăn học, tiền lương làm thêm và 40 triệu đồng Tâm dành dụm được khi còn là cán bộ của Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Mọi người lại càng xót xa hơn khi người bố trong ngoại hình nhỏ thó của Tâm trả lời ông không hề biết con mình lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản như vậy.
Ông khai, sau 2 lần con gửi đồ theo xe về, ông phải ra bến xe nhận hàng, thấy vất vả quá nên ông nhắc Tâm đừng gửi đồ về nhà nữa. Kể từ đó, mỗi lần về thăm nhà Tâm mới mang theo đồ đã lấy được về nhà. Ông bảo toàn bộ số hàng ông đã khắc phục cho con trai là do ông mua tại siêu thị chứ không phải là hàng ông mang từ nhà xuống...
Trước HĐXX TAND TP Hà Nội, bị cáo Phạm Bằng Tâm (SN 1992, ở Trấn Yên, Yên Bái) trả lời rất rõ ràng, mạch lạc các câu hỏi, thể hiện là một người dám chịu trách nhiệm với những việc mình đã gây ra. Bị cáo khai, khi lấy được hàng mang ra khỏi siêu thị, bị cáo đã tìm được một mối bán hàng ở Bắc Từ Liêm để giao hàng với đơn giá rẻ hơn nhiều so với giá niêm yết của siêu thị.
Ban đầu Tâm có gì chủ tiệm mua nấy với sự tin tưởng rằng Tâm là nhân viên siêu thị và được mua với giá giảm thấp nhất. Sau khi đã mua bán qua lại một thời gian, chủ tiệm tạp hóa đặt thêm các mặt hàng mà mình có nhu cầu.
Tuy nhiên, lại có những mặt hàng chủ tiệm tạp hóa cần Tâm lại không có cơ hội để mang ra khỏi siêu thị do không có khách hàng đặt mặt hàng tương tự. Để giữ lại mối hàng thân thiết này, Tâm đã tìm mua các mặt hàng chủ tiệm đặt mua ở siêu thị hoặc các đại lý bán lẻ, sau đó chịu lỗ, chấp nhận bán lại rẻ hơn giá đã mua.
Đây chính là lý do khiến số tiền mà Tâm đã chiếm đoạt của siêu thị qua 107 hóa đơn và số tiền mà chủ tiệm tạm hóa khai nhận chênh lệch nhau đến khoảng 100 triệu đồng. Mặc dù siêu thị khẳng định họ thất thoát đến hơn 4 tỉ đồng nhưng do quá trình điều tra không có tài liệu để khẳng định bị cáo đã chiếm đoạt số tiền lớn ấy nên HĐXX tuyên phạt bị cáo Tâm 4 năm tù và Hồ Sỹ Mạnh (SN 1991, ở Vũ Thư, Thái Bình) 9 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.