Hai tác phẩm gốm Việt Nam được xác nhận kỷ lục Guinness

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 30-6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao kỷ lục Guinness thế giới cho hai tác phẩm gốm sứ nghệ thuật của nghệ nhân Nguyễn Hùng, làng nghề Bát Tràng.
 Nghệ nhân Nguyễn Hùng tâm huyết với gốm
Nghệ nhân Nguyễn Hùng tâm huyết với gốm

Tổ chức Guinness thế giới thành lập năm 1955, là tổ chức kỷ lục thế giới đầu tiên và lâu đời nhất. Năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức này trao tặng danh hiệu về gốm sứ nghệ thuật cho “Con đường gốm sứ dài nhất thế giới”.

Năm nay, nghệ nhân Nguyễn Hùng ở làng gốm Bát Tràng và Công ty gốm Hương Việt được vinh dự nhận hai kỷ lục về gốm sứ nghệ thuật là Thiềm thừ thiên phong ấn đạt kỷ lục Guinness thế giới “Tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất” và Phú quý mãn đường đạt kỷ lục Guinness thế giới là “Tác phẩm đĩa gốm đắp nổi, chạm khắc lớn nhất".

Đĩa gốm "Phú quý mãn đường"

Đĩa gốm "Phú quý mãn đường"

Phú quý mãn đường là đĩa gốm nặng 400 kg, đường kính 1,37 m với gam màu nâu, ngọc bích làm chủ đạo. Lòng đĩa được đắp nổi và chạm khắc hình cây tuyết tùng, chim công, núi và mặt trời. Nghệ nhân mất khoảng 2.500 giờ (khoảng 1,5 năm) thực hiện và hoàn thành vào năm 2018. Theo Nguyễn Hùng, tác phẩm thể hiện sự giàu có, quyền quý và hạnh phúc viên mãn.

Thiềm Thừ thiên phong ấn nặng 1,5 tấn, dài 1,735 m, rộng 1,1 m, cao 0,778 m, khắc họa con cóc ngồi trên đống tiền xu và vàng thỏi, miệng ngậm vàng, trên lưng là chòm sao Bắc Đẩu. Nghệ nhân cho biết tái hiện hình tượng cóc Thiềm Thừ hay còn gọi là cóc thần ba chân linh thiêng ở châu Á, biểu tượng cho tiền tài, sự thịnh vượng. Anh mất sáu tháng rưỡi để hoàn thành tác phẩm.

Nghệ nhân bên tác phẩm "Thiềm Thừ thiên phong ấn"

Nghệ nhân bên tác phẩm "Thiềm Thừ thiên phong ấn"

Bà Mai McMillan - đại diện tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới - cho biết hai tác phẩm vừa lập kỷ lục về kích thước, kỹ thuật, vừa gây ấn tượng bởi yếu tố nghệ thuật. "Hai tác phẩm được làm bằng gốm, thể hiện tính mỹ thuật và các phép đo được thực hiện bởi chuyên gia có trình độ với sự chứng kiến của hai nhân chứng độc lập. Tôi muốn dành lời khen cho kỷ lục gia vì đã tuân thủ tất cả hướng dẫn của chúng tôi", bà nói.

Nghệ nhân cho biết hai tác phẩm là thành quả nhiều năm nghiên cứu, ăn ngủ cùng gốm. Nguyễn Hùng sử dụng loại men mới do chính anh sáng tạo. Anh phát hiện thân cây sen có thể thay thế vỏ trấu - nguyên liệu trong men tro cổ truyền. Nghệ nhân dùng tro của thân sen, trộn với đất trầm tích ở sông Hồng cùng bột nghiền của một số loại khoáng thạch tự nhiên tạo thành dòng men mới, đặt tên Hoàng thố liên hoa.

Men này cho dải màu rộng hơn, từ sắc nâu đến nâu đỏ, so với màu trắng ngà đơn thuần của men tro. Ngoài ra, việc cải tiến men khiến sản phẩm có thể chịu được nền nhiệt độ nung cao, 1.230-1.300 độ C. "Các tác phẩm gốm dùng men Hoàng thố liên hoa nung ở nhiệt độ rất cao, chỉ dùng khi nung sứ, dẫn đến hiệu ứng lớp men tan chảy hòa quyện với cốt gốm ở bên trong, tạo hiệu ứng thố hóa kim. Vì vậy, tác phẩm rất chắc chắn, cứng như thép, gõ vào kêu như chuông", nghệ nhân nói.

Nghệ nhân cũng sử dụng kỹ thuật đắp nối, điêu khắc thay vì vẽ họa tiết như gốm thông thường. Theo Nguyễn Hùng, điêu khắc trên gốm có độ khó và yêu cầu kỹ thuật cao vì chất liệu dễ vỡ, xé nát, biến dạng cấu trúc. Anh từng thất bại, phải làm đi làm lại nhiều lần. "Đến giờ tôi vẫn chưa tin được mọi chuyện là sự thật. Tôi luôn chăm chỉ làm nghề, không ngừng thử nghiệm, tìm tòi các hướng đi mới với mong mỏi tiếp tục kế thừa, phát triển nghề gốm của cha ông. Tôi cũng mơ góp một phần nào đưa gốm Việt lan tỏa ra thế giới", Nguyễn Hùng nói.

Tiến sĩ Hồ Nam - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, ngành Mỹ thuật Ứng dụng của Hội Mỹ thuật Việt Nam - đánh giá hai tác phẩm có kích thước lớn nhưng đạt độ tinh xảo, cầu kỳ ở từng chi tiết. Đặc biệt, loại men mới mang lại hiệu quả lớn về thẩm mỹ và màu sắc. Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - nhận xét: "Ngoài kỹ thuật, tay nghề không phải bàn cãi, tôi đánh giá cao sự sáng tạo, suy nghĩ của nghệ nhân với gốm Việt. Nguyễn Hùng đã chịu khó tìm tòi, học hỏi, để lại dấu ấn, tinh thần văn hóa thuần Việt".

Nghệ nhân Nguyễn Hùng và con trai cầm bằng chứng nhận kỷ lục Guinness thế giới

Nghệ nhân Nguyễn Hùng và con trai cầm bằng chứng nhận kỷ lục Guinness thế giới

Nghệ nhân Nguyễn Hùng sinh năm 1971 ở Hải Phòng, sớm bén duyên với gốm. Năm 1986, anh được giao nhiệm vụ khảo sát về nghề gốm tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sau đó, anh quyết định bám trụ với làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Tại đây, anh mở xưởng gốm riêng, kế thừa kỹ thuật của các thế hệ đi trước và cải tiến thêm. Hai tác phẩm mai bình Tích lộc và Mã đáo thành công của anh hiện lưu giữ tại khu di tích lịch sử đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Nhiều tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Tinh hoa làng nghề Việt Nam ở Bát Tràng, bảo tàng tư nhân XQ ở Huế...

Danh hiệu kỷ lục Guinness là niềm tự hào cho người Việt Nam nói chung và của nghệ nhân Nguyễn Hùng, làng nghề Bát Tràng nói riêng.