Hai tay chèo vượt sóng đến Olympic Paris

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phạm Thị Huệ và Nguyễn Thị Hương đã có tấm vé tới Olympic mùa hè này sau hành trình khổ luyện và thi đấu bền bỉ.
Với Phạm Thị Huệ, giấc mơ Olympic đã trở thành hiện thực. (Ảnh: Cục TDTT)
Với Phạm Thị Huệ, giấc mơ Olympic đã trở thành hiện thực. (Ảnh: Cục TDTT)

Là tay chèo kỳ cựu của rowing Việt Nam, Phạm Thị Huệ từng giành 3 Huy chương Vàng SEA Games 28, 3 Huy chương Vàng SEA Games 31, 2 Huy chương Bạc ASIAN Games 18, Huy chương Đồng ASIAN Games 19... Tuy nhiên, hành trình đến Olympic của “lão tướng” sinh năm 1990 lại gặp nhiều trắc trở. Từng đặt mục tiêu thi tại các kì Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2016, 2020, nhưng Phạm Thị Huệ không thể góp mặt do nhiều lý do. Bản thân tay chèo người Quảng Bình cũng không hề lo sợ sẽ mất cơ hội được dự Olympic tiếp theo hay đặt mục tiêu cho bản thân phải thi đấu tốt hơn nữa. Có lẽ, chính ý chí và sự kiên trì ấy đã đem đến cho Phạm Thị Huệ “quả ngọt” ở lần thứ 3 tranh tấm vé đi dự một kỳ Olympic, tại nước Pháp vào mùa hè này.

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở vùng quê Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), ngoài giờ học ở trường, Huệ thường phụ ba mẹ làm ruộng, đi xúc cát thuê cho các công trình xây dựng… và chưa quen với thể thao chuyên nghiệp. Với một cô gái 18 tuổi chân ướt chân ráo bước vào môi trường thể thao chuyên nghiệp, chưa từng hình dung môn chèo thuyền là như thế nào, Huệ đã hiểu rằng kinh nghiệm được đổi lại bằng khuôn mặt con gái đen sạm, mái tóc khô cong, làn môi nứt nẻ cùng đôi bàn tay sẹo chồng lên sẹo sau 5 - 7 tiếng gò lưng gắng sức đua thuyền trên hồ mỗi ngày bất kể nắng hay mưa.

Phạm Thị Huệ là VĐV hiếm hoi ở Việt Nam đã có hai con nhưng vẫn quyết tâm chinh phục niềm đam mê của mình. Mọi việc gia đình đều trông vào người bạn đời của cô - anh Đặng Minh Huy (cũng từng là VĐV đua thuyền) và cha mẹ hai bên. Chưa dừng lại ở đó, Huệ còn tiếp tục theo đuổi việc học. Vì thi đấu liên miên, mãi đến năm 31 tuổi, Phạm Thị Huệ mới bước vào giảng đường đại học. Tại vòng loại Olympic khu vực châu Á 2024, mặc dù đã ở giai đoạn giảm sút nhiều về thể lực do tuổi tác so với các năm trước, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn cùng ý chí vươn lên, Huệ đã có thể hoàn thành ước mơ lớn nhất của một vận động viên đó là ghi tên mình tại một kỳ Thế vận hội Olympic mùa hè.

Chia sẻ sau khi giành vé tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024, Huệ cho biết: “Sức khỏe có thể kém nhưng sức chịu đựng phải cao nhất. Khi vào cuộc đua, ngay từ xuất phát, tôi tự thôi thúc mình phải cố gắng, cố lên không bỏ cuộc không nản chí. Đấy là động lực giúp tôi vượt qua mệt mỏi, đưa thuyền về đích nhanh nhất”.

Lần đầu tiên, canoeing Việt Nam giành tấm vé chính thức tham dự một kỳ Thế vận hội Olympic. Đây là dấu ấn lịch sử của canoeing Việt Nam, ghi nhận sự cống hiến tuyệt vời của tài năng mang tên Nguyễn Thị Hương - cô gái đến từ Vĩnh Phúc. Hương sinh năm 2001 ở Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, trong một gia đình “không ai biết đến thể thao”. Môn thể thao đầu tiên mà Hương bén duyên là Đẩy gậy, rồi Vật chú, không phải Đua thuyền.

Thời điểm ấy, bố mẹ Hương nhất quyết nói “không” vì chỉ muốn con tập trung học văn hóa, lại chưa biết con đường thể thao tương lai thế nào. Hương đã phải đối mặt với sự khắc nghiệt của sàn vật, với những đòn quăng quật đau điếng, những cú ngã thương tích... nhưng vẫn không thành công. Như một cái duyên định mệnh, đúng thời điểm gian khó ấy, huấn luyện viên Nguyễn Việt Phương, người thầy của Hương ở đội vật, chuyển sang làm canoeing và ông đã đưa cô học trò sang môn mới này.

Hương chưa biết bơi cũng không hề biết cách cầm mái chèo hay ngồi trên thuyền. Không những vậy, Hương còn gặp bất lợi lớn với chiều cao khiêm tốn, chân tay ngắn. Ba năm làm quen với gian khó khi tập luyện môn Vật đã trui rèn nên một Nguyễn Thị Hương đầy ý chí cho hành trình vượt sóng. Năm 2019, Hương đã được gọi vào đội tuyển quốc gia. Hương đã sử dụng tối đa những gì mình học được và rèn luyện trong suốt ba năm để phát huy sức mạnh về tốc độ và thực hiện cực tốt các kỹ thuật khó, như đánh lái tránh các tác động của sóng và gió giúp thuyền đi nhanh nhất. Nhờ đó, tuyển thủ quê Vĩnh Phúc đã tạo nên cột mốc quan trọng đầu tiên cho mình, với tấm Huy chương Vàng giải Trẻ Đông Nam Á ngay trong năm đầu tiên lên tuyển.

Cột mốc đáng tự hào tiếp theo phải kể đến là tại SEA Games 31 - ngay trong lần đầu tiên tham dự một kỳ thể thao đa môn lớn nhất khu vực, Hương đã giành trọn cả 5 Huy chương Vàng ở cả 5 nội dung tham dự. Các nhà chuyên môn đánh giá tay chèo người Vĩnh Phúc là một “nhân tố tạo đột biến”.

Và ngày 21/4, nhân tố Nguyễn Thị Hương lại tiếp tục tạo “đột biến” khi lần đầu tiên mang môn thể thao đua thuyền Canoeing Việt Nam đến với một kỳ Thế vận hội Olympic mùa hè 2024.