Hai thị trường tận dụng thuế quan tốt nhất trong CPTPP

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 2 năm đi vào thực thi Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Canada và Mexico là 2 thị trường mà doanh nghiệp Việt tận dụng tốt nhất những chính sách ưu đãi thuế quan của Hiệp định này. 


Hội thảo được tổ chức sáng nay - 27/4/2021
Hội thảo được tổ chức sáng nay - 27/4/2021

Đó là thông tin được đưa ra trong Hội thảo “CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam” do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức sáng nay (27/4/2021).

Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu, trong đó có sự tham gia của đại diện các cơ quan ngoại giao các nước Canada, Mexico, Chile, Peru và Tập đoàn lớn của các nước châu Mỹ hiện đang kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, các tham tán thương mại tại các thị trường CPTPP cũng tham dự theo hình thức trực tuyến với các thông tin cụ thể từng về thị trường.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây, nhất là sau khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.

Năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh cả thế giới đang trải qua một năm đặc biệt với nhiều biến động và suy thoái, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.

Sau 2 năm CPTPP đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu sang hai quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD, tăng 45% và 3,17 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018. Các nước còn lại dù chưa phê chuẩn hiệp định nhưng cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh như Chile tăng 30%, Peru tăng 21% so với 2018.

“Những con số này khẳng định CPTPP đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho hàng Việt sang thị trường các nước châu Mỹ, vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng” - thứ trưởng Hải khẳng định.

Cũng theo thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh việc khai thác thị trường CPTPP, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước thành viên CPTPP để qua đó đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ. Khu vực này có nhiều khối liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tư do với mối ràng buộc chặt chẽ với nhau, thí dụ như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Canada, Mexico với gần 500 triệu dân, tổng GDP đạt 2.100 tỷ USD). Cộng đồng Andean (CAN, gồm Peru, Colombia, Ecuador, Bolivia với 111 triệu dân, tổng GDP đạt 700 tỷ USD).

Số liệu công bố cho thấy, Canada và Mexico là 2 thị trường tận dụng ưu đãi thuế quan cao nhất trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP. Trong đó, Canada là thị trường có tỷ lệ doanh nghiệp từng tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP cao nhất với 50% doanh nghiệp từng xuất nhập khẩu với CPTPP có ít nhất 1 lô hàng xuất/nhập khẩu được hưởng lợi từ cam kết này. Với Mexico, tỷ lệ doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP là 26%.

Đọc thêm