Trong suốt chặng đường 70 năm ấy, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ đi trước như một sự tri ân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Chuyển biến tích cực về nhận thức đối với công tác thi hành án
Là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên trong thời gian đầu thành lập, nguyên Cục trưởng Cục THADS Hoàng Thọ Khiêm chia sẻ, trong tổ chức bộ máy nhà nước ta, THADS là lĩnh vực hoạt động được chú trọng và là một nhiệm vụ của ngành Tư pháp.
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của công tác THADS, đặc biệt là từ sau tháng 6/1993 khi Bộ Tư pháp tiếp nhận nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo công tác THADS, ông Khiêm cho rằng, tuy còn những tồn tại nhất định nhưng công tác THADS đã tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan về thi hành án.
Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 130, nhưng theo ông Nguyễn Văn Luyện (Tổng cục trưởng Tổng cục THADS đầu tiên của Bộ Tư pháp), ngành THADS chỉ thực sự bắt đầu phát triển với tư cách là một ngành độc lập từ năm 1993. Khoảng thời gian 20 năm - tuy ngắn so với lịch sử phát triển của các ngành khác song cũng đủ để công tác này có những tiến bộ vượt bậc về mọi mặt.
Ông Luyện dẫn chứng, từ hệ thống tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; từ vị thế của các cơ quan thi hành án trong hệ thống các cơ quan nhà nước; từ lực lượng hùng hậu khoảng 10.000 cán bộ công chức; từ kết quả thi hành án xong hàng trăm nghìn vụ việc mỗi năm…
Nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống THADS, ông Luyện tâm niệm, người cán bộ thi hành án phải có bản lĩnh để vượt qua được khó khăn, bảo vệ công lý và đảm bảo công bằng xã hội. Bên cạnh đó, phải có sự cảm thông sâu sắc đối với những người phải thi hành án. “Bản lĩnh và cái tâm là hai yếu tố quan trọng hàng đầu làm chúng ta mạnh hơn” – ông Luyện đúc rút.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy thì nhớ lại những ngày đầu thành lập Cục Quản lý THADS (nay là Tổng cục THADS) vẻn vẹn chỉ có 5, 6 người từ Vụ Quản lý Tòa án địa phương chuyển qua. Công việc không kể hết, từ việc xây dựng đề án, văn bản pháp luật về THADS, xây dựng tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp cán bộ; bổ nhiệm thủ trưởng cơ quan Thi hành án, chấp hành viên; thực hiện chính sách cán bộ; xây dựng kế hoạch chỉ đạo điểm, kế hoạch triển khai công tác thi hành án; kiểm tra, chỉ đạo hướng dẫn về nghiệp vụ thi hành án, đến việc sắp xếp, bố trí trụ sở, phương tiện làm việc cho các cơ quan THADS…
Sau hơn 20 năm chuyển giao, theo ông Thủy, hệ thống tổ chức THADS đã nhìn rõ hình hài, bề thế và hoạt động có hiệu quả, từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp, rồi đến Thi hành án tỉnh, Thi hành án huyện, nay là Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp, Cục THADS thuộc Tổng cục, Chi cục THADS thuộc Cục THADS, vị thế cơ quan THADS đã được khẳng định và đang chuyển mình, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của một xã hội sống theo pháp luật, công bằng và văn minh. Ông Thủy luôn tin tưởng vào hướng đi lên của ngành THADS ngày nay là đúng đắn, chắc chắn sẽ tiếp tục thu được những thành tựu tốt đẹp, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Là người có nhiều công sức trong sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của Hệ thống THADS, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng đánh giá: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, HĐND, sự chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của Chính phủ và sự phối hợp chỉ đạo có hiệu quả của chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức và người lao động làm công tác THADS, ngành Tư pháp nói chung, các cơ quan THADS, tổ chức Thừa phát lại nói riêng, đã đạt được những thành tích quan trọng, góp phần thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc trước đây, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.
Đặc biệt, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận thấy, trong hai thập niên qua, công tác THADS đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện trên tất cả các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan THADS, từ xây dựng thể chế, tổ chức cán bộ, hướng dẫn nghiệp vụ đến tổ chức thi hành án, xã hội hóa một bước công tác THADS tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng cao kết quả, hiệu quả của hoạt động THADS. Nhờ đó, số lượng việc, tiền THADS được tổ chức thi hành xong năm sau luôn cao hơn năm trước; tỷ lệ số việc, tiền tồn đọng so với số phải thi hành giảm đều hàng năm.
Theo nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, thông qua hoạt động THADS, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức và công dân ngày càng được bảo vệ, phần lớn các quan hệ xã hội bị xâm hại bởi các hành vi vi phạm pháp luật được khôi phục, góp phần vào việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Kết quả của hoạt động THADS còn góp phần mỗi năm khơi thông dòng chảy cho hàng chục nghìn tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước gần một nghìn tỷ đồng, qua đó cũng góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, tài chính, hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.