Ham giá rẻ dễ mắc "bẫy" nhà thầu Trung Quốc

“Thời gian qua chúng ta đã vô tình biến luật đấu thầu thành đấu giá. Thử hỏi trên thế giới này, có nước nào có thể đấu giá lại được với các nhà thầu Trung Quốc?. Đây cũng là nguyên nhân chính giải thích cho việc hầu hết các gói thầu của các dự án đầu tư mua sắm nước ta đều rơi vào tay các nhà thầu từ bên kia biên giới”, ông Phạm Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội  doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhận xét thẳng thắn.

“Thời gian qua chúng ta đã vô tình biến luật đấu thầu thành đấu giá. Thử hỏi trên thế giới này, có nước nào có thể đấu giá lại được với các nhà thầu Trung Quốc?. Đây cũng là nguyên nhân chính giải thích cho việc hầu hết các gói thầu của các dự án đầu tư mua sắm nước ta đều rơi vào tay các nhà thầu từ bên kia biên giới”, ông Phạm Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội  doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhận xét thẳng thắn.

Lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng.  Ảnh: S.T
Lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: S.T

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án công nghiệp có liên quan đến thị trường sản phẩm cơ khí giai đoạn 2013- 2025 vào khoảng 289 tỷ USD. Với giá trị thiết bị thường chiếm từ 70 – 75%, tổng số ngoại tệ mà Việt Nam cần bỏ ra để nhập khẩu máy, thiết bị cho các dự án có thể lên đến 202 tỷ USD (= 289 tỷ x 70%).

“Đây thực sự là một con số rất lớn. Đương nhiên chúng ta không có tham vọng sẽ thực hiện hết 100% hoặc kể cả 50%, mà với con số nội địa hóa khiêm tốn 30% thì trong hơn 15 năm tới (2013-2025) chúng ta có thể thực hiện được hơn 70 tỷ USD” – ông Hùng phân tích.

Tuy nhiên, “phần bánh” này có thể rơi hết vào tay nhà thầu nước ngoài, mà chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc nếu lối chọn thầu giá rẻ hiện nay vẫn được áp dụng và Nhà nước không áp dụng các kỹ thuật bảo hộ cần thiết dành cho doanh nghiệp nội.

“Đương nhiên về cơ chế bảo hộ thị trường trong nước sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, một số quan điểm cho rằng chúng ta đã gia nhập WTO và sẽ vướng mắc vào các quy định của tổ chức này. Nhưng trước Việt Nam, rất nhiều nước đã gia nhập WTO, song họ vẫn có những đường lối, chính sách rất linh hoạt để bảo hộ thị trường trong nước, đây là những công việc tác nghiệp mà các bộ, ban, ngành có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ. Ví dụ như sử dụng hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, áp dụng luật chống bán phá giá…”, đại diện các doanh nghiệp cơ khí bày tỏ. “Không trao cho doanh nghiệp trong nước cơ hội “ra sân” thì thử hỏi đến bao giờ mới có kinh nghiệm cạnh tranh với các “sao” ngoại”.

Nhìn lại hàng chục công trình công nghiệp thực hiện gần đây, từ thủy điện đến nhiệt điện chạy than, nhiệt điện đốt khí, xi măng, các dự án chế biến oxýt nhôm từ bô xít, các dự án nhà máy hóa chất và lọc dầu…, quy mô đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD nhưng hầu hết đều do nước ngoài làm tổng thầu EPC, số doanh nghiệp nội được tin tưởng lựa chọn chỉ chiếm phần rất nhỏ.

Riêng đối với các nhà thầu EPC của Trung Quốc thì  gần như Việt Nam nhập khẩu 100%. Tất cả công việc đều do người Trung Quốc đảm nhận, từ những việc lao động phổ thông nhất như nấu ăn, vệ sinh, bảo vệ... đến kỹ sư, công nhân xây dựng và lắp máy. Kể cả những vật tư, vật liệu có sẵn tại thị trường họ cũng nhập khẩu về từ bên kia biên giới.

Trong khi đó, cũng không hẳn các doanh nghiệp nội không có năng lực. Điển hình như dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 2. Sau khi mở thầu quốc tế, kết quả nhà thầu Nhật trúng thầu với giá trúng 624 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó vì các nhà thầu nước ngoài kiện tụng lẫn nhau nên kết quả này bị hủy và nhà thầu nội Lilama lúc này được chỉ định làm tổng thầu EPC. Kết quả là, hợp đồng giữa Lilama và chủ  đầu tư PVN được ký chỉ với 524 triệu USD, giảm tới 100 triệu USD so với thầu ngoại và nhà máy này sau đó còn được trao danh hiệu là dự án nhà máy điện xây dựng nhanh nhất châu Á.

Đối với các gói thầu rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, thì ngoài mất mát về giá trị sản lượng, doanh thu và thị trường công ăn việc làm, một hệ lụy khác cũng không kém phần tai hại đó là việc Việt Nam có nguy cơ bị biến thành bãi rác công nghệ. Điều này, theo các doanh nghiệp cơ khí, có nguyên nhân từ việc Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đã bãi bỏ điều khoản về xuất xứ thiết bị trong hồ sơ mời thầu.

“Thật sơ đẳng về nhận thức khi chúng ta cho rằng một xe hơi công suất 3.0 của Trung Quốc cũng được đánh giá tương đương xe hơi 3.0 của Đức hoặc Nhật. Tương tự, một nhà máy điện công suất 300 MW hoặc nhà máy xi măng 1,5 triệu tấn/năm thiết bị của Trung Quốc cũng tương đương về giá trị như đối với thiết bị của Đức, Nhật…”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí bày tỏ.

Dự kiến trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi. Ngành cơ khí chế tạo trong nước đang làm ăn khá bết bát, song Hiệp hội này vẫn tin rằng nguyên nhân không phải vì thiếu năng lực mà là vì họ chưa được “đặt đúng chỗ”. Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam, theo quan điểm này, cần phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp cơ khí.

"Một số ý kiến cho rằng đầu tư vào cơ khí là tốn kém, lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, vì vậy nên “đi tắt đón đầu” bằng cách đầu tư cho các ngành công nghệ cao, tin học, tự động… nhưng thử hỏi: nếu không có ngành cơ khí chế tạo phát triển thì các ngành khác như công nghệ cao, tin học, tự động hóa áp dụng vào đâu?", ông Phạm Hùng nói.

“Đối với một số ngành then chốt tạo nền tảng kinh tế, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế khác, chúng ta phải phấn đấu làm bằng được… Người ta thường nói không làm được vì thiếu vốn đầu tư, (nhưng) vấn đề mấu chốt là phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa sống còn của nó đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó mới tìm được lối ra và cách khắc phục”.

GS Lê Xuân Tùng (Một số ý kiến về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam – báo Nhân dân ngày 05/6)

Sơn Tùng

Đọc thêm