Hẩm hiu như... giá vé hòa nhạc?

(PLO) - Hàng loạt không gian âm nhạc cổ điển được mở ra trong thời gian qua khiến cho đời sống âm nhạc Việt Nam thêm phong phú và đẳng cấp, góp phần mang dòng nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng. Thế nhưng giá vé hòa nhạc lại đang tỷ lệ nghịch với tâm huyết của những người tổ chức các “bữa tiệc” âm nhạc mang tầm thế giới ấy...
Nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ cello đến từ Nhật Bản Dai Miyata cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam
Nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ cello đến từ Nhật Bản Dai Miyata cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam

Đêm nhạc đỉnh cao với nhiều tài năng quốc tế

Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) vừa phối hợp với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO) tổ chức chương trình Hòa nhạc đặc biệt Toyota 2018, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chương trình nhằm góp phần gìn giữ nét đẹp của nhạc cổ điển, mang dòng nhạc hàn lâm này đến gần hơn với công chúng Thủ đô, đồng thời cũng là một hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973-2018).

Đến từ đất nước “Mặt trời mọc”, với gần 18 năm sinh sống, làm việc và gắn bó với đất nước Việt Nam, Honna Tetsuji được lựa chọn là nhạc trưởng dẫn dắt toàn bộ đêm diễn đặc biệt này. Bên cạnh Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, chương trình còn có sự góp mặt của nghệ sĩ độc tấu cello đến từ Nhật Bản Dai Miyata, người đã gắn bó với cây đàn cello từ năm 3 tuổi, từng biểu diễn tại nhiều sự kiện âm nhạc thính phòng quy mô và nhận được hàng loạt giải thưởng danh giá quốc tế.

Toyota Concert sẽ tiếp tục đến với khán giả yêu nhạc cổ điển trong 3 đêm diễn tại Hà Nội vào ngày 10 và 11/8, TP Hồ Chí Minh ngày14/8.

Trước đó, tháng 6/2018, đêm hòa nhạc “Gioacchino Rossini gala concert” diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các nghệ sĩ thính phòng hàng đầu của Ý biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời  tạo nên một sự hòa hợp âm nhạc đỉnh cao dành cho công chúng Thủ đô.

Đêm nhạc cổ điển Toyota 2015 được biểu diễn với sự tham gia của Nhà hát Nhạc kịch Budapest danh tiếng đến từ Hungary dưới tài chỉ huy xuất chúng của nhạc trưởng bậc thầy László Makláry- người từng nhận giải thưởng Artisjus và Művész danh giá dành cho nghệ sĩ xuất sắc, cùng 4 giọng ca opera tài năng: Szilvi Szendy, Dávid Szabó, Mónika Fischl và Gergely Boncsér. 

Sự có mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng quốc thế đã góp phần đánh dấu Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thế giới với tư cách một điểm đến hấp dẫn, là nơi có các khán giả có trình độ thưởng thức cao. Đồng thời, khán giả Việt Nam cũng được thưởng thức bữa tiệc âm nhạc xa hoa, đỉnh cao qua những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới ấy.

Giá vé “hẻo”, trách nhiệm cao

Để có những “bữa tiệc” âm nhạc mang tầm thế giới ấy, những người tổ chức chương trình hẳn phải yêu và tâm huyết với nó. Bởi tổ chức được một chương trình nhạc hàn lâm mang tầm quốc tế này rất “ngốn” tâm sức, kinh phí nhiều tỷ đồng với sự chuẩn bị công phu trong thời gian dài.

Đơn cử như để mời một nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn không dễ dàng chưa kể chi phí cho dàn nhạc hàng chục, tới trăm nghệ sĩ khác. Trong khi, tiền bán vé chỉ mang tính chất rất tượng trưng, “đãi khách” như: từ 100 - 700.000 đồng/vé.

Dẫu bán có hết vé trong khán phòng 500 người thì lợi nhuận thu về chỉ như rất nhỏ so với số tiền ban tổ chức bỏ ra. “Việc lấy kinh phí tổ chức đêm nhạc hàn lâm từ nguồn thu bán vé là… một chuỵện không tưởng. Dù vé có giá vài triệu đồng/ chiếc thì cũng chỉ như “gió vào nhà trống”- một đạo diễn chương trình bộc bạch.  

Chính vì vậy, hầu hết ban tổ chức các chương trình hàn lâm như vậy không thể “trụ” được nếu không có các đại gia, các nhà tài trợ yêu nghệ thuật…“chống lưng”. Ví như: hoà nhạc mang tên Hennessy, hòa nhạc mang tên Toyota, Vingroup...

Theo nghệ sĩ Phó An My, ngay ở những nước sinh ra nhạc cổ điển, khán giả của loại hình này cũng chỉ chiếm cao nhất 30%. Thế nên, kể cả những đêm diễn ở nước ngoài cũng cần có các thương hiệu giúp đỡ. 

Có một điều đặc biệt nữa là, với những đêm nhạc mang tên doanh nghiệp, tiền bán vé thường để dành cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội chứ không kinh doanh. Thế nên có so sánh rằng đêm hòa nhạc tiền vé “hẻo” nhưng trách nhiệm thì lớn.

Đơn cử như Hòa nhạc Toyota toàn bộ số tiền bán vé của các đêm diễn được sử dụng cho chương trình “Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam”. Trải qua 9 năm triển khai, chương trình đã trao tặng tổng số 815 suất học bổng cho các em học sinh, sinh viên âm nhạc xuất sắc.

Bên cạnh đó, chương trình đã tạo điều kiện cho các em có cơ hội tập luyện và biểu diễn cùng những dàn nhạc chuyên nghiệp tại các chương trình âm nhạc lớn. Nhiều sinh viên nhận học bổng Toyota cũng đã giành được những giải thưởng cao quý tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế như tài năng trẻ piano Đỗ Hoàng Linh Chi, Phan Thiên Bạch Anh, Nguyễn Thế Vinh, Lưu Đức Anh, tài năng trẻ violin Hoàng Hồ Khánh Vân và nhiều em cũng đã nhận được các học bổng du học tại các quốc gia có nền âm nhạc tiên tiến như  Áo, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ