Luật năm 2015 bổ sung quy định này là nhằm hạn chế (không phải cấm tuyệt đối) đặt ra TTHC trong thông tư và văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian đầu thực hiện quy định nêu trên của Luật năm 2015, một số bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định các trường hợp được quy định TTHC và việc sửa đổi, bổ sung quy định về TTHC trong thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.
Ngày 28/11/2016, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4218/BTP-VĐCXDPL trả lời về một số quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung trả lời về việc quy định TTHC trong một số văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng theo Công văn 4218, nhằm thực hiện nghiêm Luật năm 2015, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh tiếp tục rà soát các quy định TTHC đã ban hành để có lộ trình bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định về các TTHC này.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, các bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục phản ánh sự lúng túng của mình trong triển khai thực hiện quy định trên khi phát sinh nhu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của TTHC đã ban hành từ thực tiễn công tác quản lý của bộ, ngành, địa phương.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp được ban hành TTHC; quy định việc sửa đổi, bổ sung các TTHC hiện hành.
Tổng hợp các ý kiến góp ý, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2015, Tổ Biên tập Dự thảo Luật dự kiến sửa 3 điều về quy định TTHC trong văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, Dự thảo bổ sung khái niệm TTHC vào Điều 3 (theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC): “TTHC là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức”.
Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 4 Điều 14 Luật năm 2015, Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Theo đó, phương án 1 sửa theo hướng mở rộng trường hợp được giao trong luật hoặc để quy định biện pháp đặc thù trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 27. Phương án 2 sửa theo hướng mở rộng trường hợp được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, Dự thảo Luật sửa khoản 4 Điều 172 (hiệu lực thi hành) theo hướng: Những quy định về TTHC trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật này được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ bằng văn bản khác hoặc bị thay thế bằng TTHC mới.
Trường hợp sửa đổi, bổ sung TTHC được ban hành trước ngày 1/7/2016 thì không được làm phát sinh TTHC mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết TTHC đang áp dụng.
Bàn về những dự kiến này, tuy đồng tình với quy định hạn chế TTHC trong thông tư bộ, ngành và văn bản của địa phương nhưng đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ ra một số trường hợp nếu không cho phép ban hành sẽ làm khó các cơ quan quản lý và cả chính đối tượng chịu tác động như thông tư hướng dẫn Bộ luật Tố tụng Hình sự mà Bộ Công an xây dựng có nội dung về hoạt động hành nghề luật sư.
Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn thì đề nghị phân biệt rõ thế nào là TTHC, thế nào là điều kiện kinh doanh. Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Anh lại thẳng thắn cho rằng không nên mở rộng thêm các trường hợp được quy định TTHC trong văn bản quy phạm pháp luật.