Theo Bộ Tư pháp, sau gần 9 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 78/2009/NĐ-CP đã phát huy tốt vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quốc tịch; tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xác định quốc tịch Việt Nam; giải quyết kịp thời các yêu cầu xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định số 78/2009/NĐ-CP đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cơ bản như một số quy định mang tính nguyên tắc của Luật Quốc tịch Việt Nam chưa được hướng dẫn, cụ thể hóa trong Nghị định số 78/2009/NĐ-CP, nên dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Bên cạnh đó, chưa có biện pháp cần thiết để thu hồi, hủy bỏ hoặc chấm dứt giá trị đối với giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của người đã được thôi, bị tước quốc tịch Việt Nam. Do đó, nhiều trường hợp vẫn sử dụng quốc tịch Việt Nam, quy chế công dân Việt Nam sau khi đã được thôi quốc tịch Việt Nam trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Sự phát triển của hệ thống pháp luật gần đây dẫn tới một số quy định của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP không còn phù hợp, thiếu đồng bộ; cùng với việc có nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng, thực hiện. Trong khi, thực tiễn phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra những vấn đề mới cho công tác quốc tịch.
Dự thảo Nghị định gồm 36 điều, chia thành 5 chương. Trong đó, đáng chú ý, bổ sung quy định nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật đối với người có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác quốc tịch, nhằm răn đe và tạo cơ sở pháp lý để áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc tịch. Theo đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung 1 điều (Điều 7) về các hành vi bị nghiêm cấm đối với cá nhân, việc thu hồi các giấy tờ được cấp và trách nhiệm của cá nhân nếu có hành vi vi phạm. Nội dung Điều 7 tương tự như quy định cấm tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Ngoài ra, Dự thảo bổ sung quy định nhằm cụ thể hóa hướng dẫn chi tiết hơn về điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam và xin giữ quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật và quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc xem xét trình hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định.
Một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt với dự thảo Nghị định mới là bảo đảm tính minh bạch trong thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức dễ dàng thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến quốc tịch, đáp ứng yêu cầu hội nhập nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam – nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tịch Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.