"Hạn chế được mặt này lại nảy sinh mặt khác"

 Vấn đề ô nhiễm tại KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) luôn làm đau đầu các nhà quản lý lẫn người dân suốt thời gian qua. Với nhiều biện pháp kiên quyết, đến nay môi trường ở đây đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn đó nhưng lo lắng về mức độ ô nhiễm...

 Vấn đề ô nhiễm tại KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) luôn làm đau đầu các nhà quản lý lẫn người dân suốt thời gian qua. Với nhiều biện pháp kiên quyết, đến nay môi trường ở đây đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn đó nhưng lo lắng về mức độ ô nhiễm.

Trong hai ngày 7 và 8/9, Ban Kinh tế - Ngân sách (KTNS) HĐND TP. HCM đã khảo sát và tham vấn ý kiến người dân về tình hình ô nhiễm môi trường tại 3 xã Lê Minh Xuân, Tân Nhựt và Bình Lợi xung quanh KCN Lê Minh Xuân.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của Ban KTNS, tình hình môi trường của khu vực này đã cải thiện nhiều so với thời điểm tháng 11/2010, cụ thể không còn hiện tượng cá chết, lá cây bạc màu… Ban KTNS đánh giá cao nỗ lực của các xã trên, huyện Bình Chánh cũng như Ban Quản lý KCN Lê Minh Xuân và Sở Tài nguyên Môi trường đã kiểm tra sâu sát để dần khắc phục tình hình ô nhiễm thời gian qua.

Tuy nhiên, Ban KTNS cũng lưu ý những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết triệt để như trong khi tình hình ô nhiễm về nước tại khu vực này giảm đi nhưng lại tăng ô nhiễm về khói, bụi. Theo phản ánh của người dân, hiện đã xuất hiện nhiều luồng khói xấu và luồng khí gây bệnh cho dân ở ấp 7 (xã Lê Minh Xuân) và ấp 2 (xã Tân Nhựt). Người dân vẫn chưa hài lòng và an tâm với công tác kiểm tra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn còn đối phó, lén lút xả thải trực tiếp ra kênh rạch.

Ông Nguyễn Thuận Giàu, Trưởng ấp 7, xã Lê Minh Xuân cho biết, các tuyến kênh nội đồng ở đây… đều bị ô nhiễm, nước luôn đổi màu đen đỏ khiến vật nuôi, cây trồng năng suất thấp. Nguồn nước ở đây hầu hết bị đục và có mùi hôi, chứng tỏ nguồn nước gây ô nhiễm đã thẩm thấu vào mạch nước ngầm.

Bên cạnh KCN Lê Minh Xuân rộng lớn, thì khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (17ha) quy tụ 127 cơ sở sản xuất, phần lớn là các ngành nghề gây ô nhiễm cao như dệt nhuộm, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, đúc đồng, xi mạ… từ các quận nội thành dời ra. Theo ông Trần Ngọc Thành - Sở TNMT TP. HCM thì hầu hết những cơ sở này đều dùng công nghệ lạc hậu phát tán ra không khí một lượng khí thải độc “khổng lồ”. Điều đáng nói, dù bị cấm nhưng họ vẫn lén lút hoạt động, khi nghe có đoàn kiểm tra xuống thì các cơ sở này ngưng hoặc chuyển hướng sang những hoạt động không phát khí thải. Tuy nhiên, Sở TNMT lại không có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường này.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp để các cơ sở sản xuất nhỏ chuyển đổi công nghệ. Thành Phố cần xem xét có cơ chế riêng về kiểm tra đột xuất đối với những doanh nghiệp phát tán ô nhiễm ra môi trường, nếu cố tình vi phạm phải chế đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó cũng cần những cuộc vận động tuyên truyền mạnh hơn về ý thức bảo vệ môi trường của khu vực nhằm mục tiêu xây dựng các xã nông thôn của huyện Bình Chánh thành xã nông thôn mới. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án như: đưa người dân ra khỏi khu vực ô nhiễm nặng, trồng cây xanh cách ly, nạo vét kênh rạch trong khu vực và các giải pháp khác.

Ngọc Hương

Đọc thêm