Cùng với điều kiện về chỗ ở, Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi đề nghị tăng thời hạn tạm trú lên 2 năm (thay vì 1 năm như quy định hiện hành) nếu người dân muốn nhập khẩu tại các thành phố trực thuộc T.Ư. Bộ Công an cho rằng quy định mới này sẽ nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, hạn chế tăng dân số cơ học, chất lượng sống của người dân được đảm bảo. Còn nhiều ý kiến khác lại cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
"Cần xem lại việc hạn chế quyền tự do cư trú của công dân bằng biện pháp hành chính như vậy thì có đúng không?" |
Siết chặt hơn điều kiện nhập khẩu thành phố
Theo Bộ Công an, Luật Cư trú hiện hành mở rộng các điều kiện để được đăng ký thường trú vào các thành phố (TP) trực thuộc T.Ư, sau 5 năm thực hiện, số người chuyển về các TP làm ăn, sinh sống tăng nhanh gây sức ép lớn về gia tăng dân số cơ học, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội.
Tính đến 1/7/2012 tổng dân số tại 5 thành phố trực thuộc T.Ư là gần 19 ngàn nhân khẩu. Từ tháng 7/2007, khi Luật Cư trú có hiệu lực đến tháng 7/2012 dân số của các TP trên tăng trên 2 ngàn hộ, gần 10 ngàn nhân khẩu. Bên cạnh đó, sự phân bố dân cư không đồng đều dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý cư trú.
Một trong những "sơ hở" của Luật Cư trú hiện hành theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an - là "do các quy định của luật quá thông thoáng về điều kiện đăng ký thướng trú vào thành phố trực thuộc T.Ư nên nhiều trường hợp đã bị lợi dụng".
Dễ bị lợi dụng để "nhập khẩu nhờ" Sau 5 năm thi hành Luật Cư trú, Bộ công an cho biết, một số quy định thông thoáng của luật này đã bị lợi dụng để thực hiện các mục đích khác hoặc xảy ra tiêu cực khi đăng ký hộ khẩu như cho nhiều người nhập khẩu nhờ vào cùng một nhà nhưng không thực tế cư trú, chuyển nơi cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi theo quy định…Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi bổ sung điều kiện về đăng ký thường trú tại TP trực thuộc TW theo hướng tăng thời hạn tạm trú để được đăng ký thường trú từ 1 năm lên 2 năm, quy định điều kiện về diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tố chức, cá nhân |
Để kiểm soát nhập cư vào các TP lớn, tạo cơ hội để người dân sống ở TP lớn tiếp cận được các dịch vụ công một cách công bằng, tạo môi trường sống tốt hơn...Bộ Công an đề nghị sửa đổi quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư.
Theo quy định này, điều kiện để nhập cư thành phố là: có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP đó từ 2 năm trở lên ; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình nếu là người thành niên độc thân về sống với ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cô dì, chú bác, cậu ruột; ông bà, nội ngoại về ở với cháu ruột…
Đánh giá tác động của Dự thảo, Bộ Công an chỉ rõ: "Nếu thực hiện phương án này sẽ góp phần hoàn thiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong đăng ký, quản lý cư trú theo định hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về cư trú, đồng thời tạo thuận lợi tố đa cho công dân, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân đang cư trú trên địa bàn...".
Sao lại là hai năm?
Trước phương án mà Bộ Công an đưa ra, nhiều ý kiến không đồng tình, bởi lẽ Bộ này chưa làm rõ cơ sở nào để đề xuất tăng thời hạn tạm trú lên 2 năm, trong khi chưa rõ để 1 năm như hiện hành sẽ bất cập như thế nào.
Kinh nghiệm làm Luật Thủ đô cho thấy, việc hạn chế nhập cư vào thành phố lớn không phải là giải pháp gốc rễ của vấn đề. Mà để giải quyết tình trạng tăng dân số cơ học ở TP lớn thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế xã hội.
Điều này được ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặc biệt lưu ý một lần nữa khi thẩm tra dự án Luật Cư trú sửa đổi "Ta đưa ra các biện pháp này chỉ phục vụ công tác quản lý hành chính. Cần xem lại việc hạn chế quyền tự do cư trú của công dân bằng biện pháp hành chính như vậy thì có đúng không?"
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Trần Đình Long cũng nêu ra một tình huống cụ thể: Tôi làm việc ở địa phương khác, tôi có điều kiện mua nhà Hà Nội rồi sau đó chuyển công tác ra Hà Nội bằng quyết định của cơ quan Nhà nước. Như vậy, tôi có nhà, có việc làm hợp pháp, đầy đủ điều kiện nhập hộ khẩu sao lại cứ bắt buộc phải tạm trú 2 năm liên tục?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cũng cho rằng "thời hạn 1 năm nâng lên 2 năm về mặt xã hội là không có ý nghĩa gì."
Đặt ra vấn đề về tạm trú, hơn nữa lại nâng thời hạn tạm trú lên gấp đôi là một điều kiện bắt buộc để đăng ký hộ khẩu thường trú có ý kiến cho rằng "chỉ có lợi cho nhà nước". Thực tế đối với người dân, khi hộ khẩu giờ đây không còn quá nhiều giá trị như trước thì việc họ có hay không có hộ khẩu ở TP lớn cũng không quan trọng. Chẳng hạn như những người lao động ngoại tỉnh, không nhà, không có thu nhập, không có chỗ ở ổn định...thì dù có thắt chặt hay nới lỏng thêm điều kiện đăng ký thường trú thì cũng không có nghĩa lý gì bởi họ không có nhu cầu đăng ký. Tức là cuộc sống vẫn diễn ra bình thường nếu không có hộ khẩu.
Suy cho cùng, mục đích chính của hộ khẩu chỉ là để quản lý con người; công dân đi đến đâu, đăng ký cho Công an sở tại ở đó là đủ, mà không cần phải đặt ra một quy định quá khắt khe.
Thẩm định Dự án Luật này, Bộ Tư pháp cũng cho rằng "nếu coi đăng ký hộ khẩu như là một công cụ để hạn chế, ngăn chặn tình trạng tăng dân số cơ học ở một số thành phố lớn thì công cụ này tỏ ra không hiệu quả và phần nào hạn chế quyền tự do cư trú của công dân". Quan điểm của Bộ Tư pháp được nhiều ý kiến đồng thuận./.
Thu Hằng