Hạn chế thất thoát tài sản nhà nước khi bán đấu giá

Trong khi hàng năm, các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (BĐGTS)  thuộc Sở Tư pháp làm lợi cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng do bán vượt giá khởi điểm, thì ở nhiều nơi, việc thành lập các hội đồng BĐGTS không theo quy định của Nghị định 17/CP lại làm thất thoát tài sản của Nhà nước vì bán rẻ, bán chui.

Trong khi hàng năm, các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (BĐGTS)  thuộc Sở Tư pháp làm lợi cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng do bán vượt giá khởi điểm, thì ở nhiều nơi, việc thành lập các hội đồng BĐGTS không theo quy định của Nghị định 17/CP lại làm thất thoát tài sản của Nhà nước vì bán rẻ, bán chui.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hạn chế tối đa lập Hội đồng đấu giá

Theo Nghị định 17, chỉ tồn tại hai loại hội đồng: Hội đồng BĐGTS cấp huyện và Hội đồng BĐGTS trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành Nghị định, nhiều nơi vẫn tồn tại các Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và môi trường; Trung tâm thẩm định giá và dịch vụ bất động sản thuộc Sở Tài chính; Trung tâm giao dịch bất động sản… “kiêm nhiệm” BĐGTS là quyền sử đụng đất.

Trong khi các Trung tâm dịch vụ BĐGTS luôn cố gắng làm lợi cho khách hàng của mình thì thực tế, nhiều loại Hội đồng lại bán chui, bán với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều địa phương đã kiên quyết “nói không” với các hội đồng ngoài luồng. Tại Chỉ thị thực hiện Nghị định 17, UBND tỉnh An Giang đã kiên quyết: Không thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất ở cấp tỉnh và cấp huyện để BĐG quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo đúng tinh thần của Nghị định số 17/CP; Giao cho tổ chức BĐG chuyên nghiệp (Trung tâm Dịch vụ BĐG tài sản của tỉnh, doanh nghiệp BĐG tài sản) thực hiện BĐG khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Tương tự, UBND TP. Hồ Chí Minh tại Chỉ thị 18 cũng nêu rõ quan điểm: Đối với việc BĐGTS là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, tài sản nhà nước không thuộc trường hợp thành lập Hội đồng BĐGTS thì Sở Tài chính hướng dẫn cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký hợp đồng BĐGTSn với tổ chức BĐGTS chuyên nghiệp của Nhà nước, đảm bảo việc BĐG tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Đối với  các Hội đồng BĐG quyền sử dụng đất thành phố và Hội đồng BĐG quyền sử dụng đất quận, huyện không thuộc quy định của Nghị định 17 phải tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động. Các tổ chức BĐGTS được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định số 17/CP có hiệu lực phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định này mới được tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực BĐGTS.

“Dẹp bỏ” các hội đồng ngoài quy định không những góp phần làm lành mạnh môi trường BĐG mà còn tăng thu cho ngân sách nhà nước khi mà bằng các biện pháp tăng cường quản lý, tài sản được tập trung một mối, BĐG theo đúng quy trình luật định.

Nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức BĐGTS

Xây dựng Luật BĐGTS, Bộ Tư pháp cho biết sẽ xác định rõ đối tượng áp dụng là đối với việc BĐG các loại tài sản thuộc diện phải BĐG theo quy định của pháp luật: tài sản thi hành án, tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính, tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất được BĐG theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các loại tài sản khác thuộc diện bắt buộc phải BĐG theo quy định của pháp luật. Những loại tài sản này sẽ được BĐG theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục BĐG được quy định thống nhất tại Luật này thông qua tổ chức BĐG chuyên nghiệp.

 Ngoài ra, tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nếu có yêu cầu BĐG thông qua tổ chức BĐG chuyên nghiệp cũng được bán theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này nhằm đưa hoạt động BĐG trong xã hội trở thành một dịch vụ chuyên nghiệp.

Các loại tài sản bắt buộc phải BĐG theo quy định của pháp luật cũng sẽ được quy định thống nhất về trình tự, thủ tục bán  nhằm bảo đảm việc BĐG tài sản thực sự khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả, hạn chế tình trạng tiêu cực, thất thoát tài sản. Bộ Tư pháp cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức BĐG tài sản chuyên nghiệp.

Một trong những quan điểm khi xây dựng Luật BĐGTS, theo Bộ Tư pháp là nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động BĐG tài sản,việc lập hội đồng BĐG tài sản cũng bị hạn chế tối đa. Bên cạnh đó là quy định chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề đấu giá, quản lý đấu giá viên khi hành nghề; điều kiện đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp BĐG.

Huy Hoàng

Đọc thêm