Câu chuyện bắt đầu bằng ước mơ của một cô gái trẻ. Cô gái - Bricky - hàng đêm lên gót về căn phòng trọ tồi tàn, mệt mỏi rã rời với mảnh vụn của giấc mơ tan vỡ. Cô vốn muốn trở thành diễn viên Broadway nhưng cuối cùng chỉ có thể bán những vũ điệu của mình giá 5 cent một bản, trong vũ trường hàng đêm. Cô vẫn gửi thư về nhà báo với mẹ rằng con ổn, công việc rất tốt, cùng vài tờ đô la "đẫm máu".
Bricky đến New York để thực hiện ước mơ trở thành diễn viên và được đứng trên sân khấu Broadway, nhưng cô đã thất bại và giờ phải làm gái nhảy để kiếm sống. Một đêm nọ, lúc 1 giờ sáng, khi đã sắp kết thúc ca làm việc, cô chợt gặp Quinn Williams - một anh chàng có vẻ ngoài thẫn thờ; anh ta nhảy với cô nhiều lượt liên tục và thậm chí theo cô về nhà.
Trò chuyện với anh ta, Bricky biết được rằng hai người là đồng hương, anh cũng có cuộc sống khó khăn như cô, điều đó đã khiến anh thực hiện một vụ trộm và giờ đang bị cắn rứt lương tâm. Hai người cùng lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo đã phải lòng nhau, quyết định sẽ cùng nhau rời khỏi thành phố trở về quê trên chuyến xe bus khởi hành 6 giờ sáng hôm sau.
Họ muốn trở về với lương tâm trong sạch nên đã quyết định đem trả lại số tiền mà Quinn đã đánh cắp. Nhưng khi đến nơi lúc hai rưỡi sáng, họ phát hiện ra rằng Stephen Graves, chủ nhân của số tiền, đã bị bắn chết. Không còn cách nào khác, họ đành phải đi tìm thủ phạm đích thực đã sát hại anh ta và họ chỉ có ba tiếng trước khi chuyến xe bus sẽ đưa họ về nhà khởi hành lúc sáu giờ sáng.
Sau nhiều nỗ lực thất bại, cuối cùng Bricky cũng tìm ra kẻ giết người là hai tên muốn đe dọa để tống tiền Stephen, nếu không sẽ công bố việc em trai anh ta đã kết hôn với một cô gái làng chơi. Bricky bị hai kẻ đó khống chế và chuẩn bị thủ tiêu, nhưng đến giờ khắc cuối cùng thì Quinn xuất hiện và cứu sống cô.
“Hạn chót lúc bình minh” là cuốn truyện thứ 8, trong series trinh thám đen được xuất bản ở Việt Nam của Cornell Woolrich, sách do Phuc Minh Books liên kết với nhà Xuất bản Văn học ấn hành. Được xuất bản năm 1944, cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng bởi sự hòa quyện giữa bút pháp lãng mạn và cảm giác hồi hộp đặc trưng của bậc thầy trinh thám đen - Cornell Woolrich.
Tiếp theo “Ám ảnh đen”, “Đêm ngàn mắt”, “Điểm hẹn đen”, Woolrich một lần nữa không làm bạn đọc thất vọng bởi những ấn tượng và cảm xúc mà tác giả đem lại qua “Hạn chót lúc bình minh”. Nhân vật chính của Hạn chót lúc bình minh là hai con người cô đơn nơi phồn hoa đô hội. Họ đã lay lắt ở thành phố quá lâu, không đủ can đảm rời bỏ nó một mình; mãi cho đến khi gặp nhau, nhưng dường như đã trễ. Quinn và Bricky vô tình bị cuốn vào một vụ án mạng.
Nếu họ không kịp tìm ra thủ phạm thực sự thì sẽ không kịp chuyến xe buýt về quê - chuyến xe mà họ chờ đợi đã lâu, chuyến xe họ phải dùng hết dũng khí mới dám bước lên. Cuộc chạy đua với thời gian của Quinn và Bricky với những tình tiết truy tìm sự thật diễn ra dồn dập, có khi khiến bạn đọc tưởng chừng như ngạt thở. Mỗi trường đoạn, mỗi phân cảnh như bám dính từng bước điểm tích tắc của thời gian, đặt nhân vật chính phải đứng trước áp lực tuyệt đối.
Có lẽ cảm giác này không riêng có ở “Hạn chót lúc bình minh”, bạn đọc có thể bắt gặp ở bất cứ cuốn truyện nào của Woolrich. Một điều hấp dẫn nữa có thể kể tới đó là sự hòa quyện giữa bút pháp lãng mạn với nỗi ám ảnh, sự dồn dập, nỗi sợ hãi. Mỗi lần đọc truyện của ông, bạn đọc sẽ phải luôn tự hỏi tại sao trinh thám lại có thể trữ tình đến thế. Không phải là loại trinh thám pha yếu tố tình cảm (kiểu ngôn tình trinh thám) mà lại là trinh thám đen - màu sắc của tác phẩm luôn u ám với bi kịch của nhân vật.