Theo luật pháp Hàn Quốc, bầu cử tổng thống sẽ phải được tiến hành trong vòng 60 ngày sau khi Tòa án Hiến pháp hôm 10/3 ra phán quyết giữ nguyên việc luận tội bà Park. “Ngày bầu cử sẽ được thông báo muộn nhất là ngày 17/3, tức trước hạn chót phải công bố 20/3” – một quan chức từ Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc cho hay.
Theo vị quan chức này, Bộ Nội vụ Hàn Quốc đã bắt đầu các công việc để định ngày bầu cử và sẽ trình lên để quyền Tổng thống xem xét trong tuần này. Trước đó, một số quan chức Hàn Quốc nói rằng bầu cử nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào ngày 9/5 tới.
Ngay từ ngày 10/3, chỉ vài giờ sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết giữ nguyên việc luận tội bà Park, Ủy ban bầu cử quốc gia Hàn Quốc (NEC) đã bắt đầu chấp nhận đơn đăng ký của các ứng viên. Chủ tịch NEC Yong-deok trong bài phát biểu ngày 12/3 nói rằng cuộc bầu cử tổng thống tới đây sẽ là cơ hội để khôi phục sự đoàn kết quốc gia, xóa bỏ những xung đột, chia rẽ ở nước này. Ông Kim cũng cam kết sẽ giám sát để đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành một cách minh bạch và công bằng.
Hiện nay, ứng viên được xem là tiềm năng nhất trong cuộc chạy đua vào cương vị tổng thống Hàn Quốc là ông Moon Jae-in – cựu lãnh đạo đảng Dân chủ. Trong bài phát biểu đầu tiên trước người dân ngày 12/3, ông Moon đã kêu gọi người Hàn Quốc gác những chia rẽ sang một bên để tạo lập sự đoàn kết dựa trên các nguyên tắc dân chủ. Ông này cũng cho rằng việc điều tra đối với bà Park cần phải được tiếp tục tiến hành một cách phù hợp.
“Một số người nói rằng việc điều tra nên hoãn lại cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống nhưng cựu Tổng thống Park không phải là một ứng viên nên chẳng có lý do gì để làm vậy” – ông nói và nhấn mạnh việc bà Park đã bị tước quyền miễn trừ khởi tố hình sự.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times gần đây, ông Kim nói rằng Hàn Quốc phải công nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là đối tác đối thoại. “Người Hàn Quốc không đồng ý với chế độ của Triều Tiên nhưng chúng ta không thể bác bỏ sự thật là người Triều Tiên là đối tượng của thống nhất và người lãnh đạo của họ là ông Kim Jong-un” – ông Moon nói ngày 12/3, khi được hỏi về phát biểu trước đó của mình. Song, ông từ chối cho biết quan điểm về việc ủng hộ hay phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc.
Trong một diễn biến có liên quan, theo nghị sỹ Lee Cheol-woo của đảng Hàn Quốc tự do – người điều phối Ủy ban cải cách hiến pháp của Quốc hội Hàn Quốc - Ủy ban này hôm nay (13/3) sẽ bắt đầu phiên họp kéo dài trong 3 ngày để đề xuất dự luật hiến pháp sửa đổi dự kiến trình ra Quốc hội Hàn Quốc trong tháng 3 này và được đưa ra lấy ý kiến nhân dân vào cùng thời điểm tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới.
Ủy ban trên được thành lập hồi tháng 12 năm ngoái, khi ngày càng có nhiều người kêu gọi viết lại bản hiến pháp vốn được sửa đổi từ năm 1987 và hiện được cho là không còn phù hợp với những thay đổi chính trị và xã hội của Hàn Quốc.
3 đảng chính trị lớn ở Hàn Quốc, trong đó có đảng Dân chủ đang đẩy mạnh nỗ lực sửa đổi hiến pháp trong khi các đảng nhỏ hơn cũng đồng ý sửa hệ thống quyền lực của tổng thống hiện nay theo một cấu trúc chia sẻ quyền lực, trong đó tổng thống chịu trách nhiệm về an ninh và ngoại giao còn thủ tướng kiểm soát các vấn đề trong nước thay vì hệ thống tập trung quyền lực vào tổng thống như hiện hành. Trong số những đề xuất sửa đổi đáng chú ý có ý kiến đề nghị chuyển từ quy định một nhiệm kỳ tổng thống duy nhất kéo dài 5 năm sang nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái tranh cử.