Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hàn Quốc phải rời nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ kể từ cuối những năm 1980 của thế kỷ trước.
Bất ổn và chia rẽ
Quốc hội Hàn Quốc cáo buộc bà Park Geun-hye đã để cho người bạn thân là bà Choi Soo-sil can thiệp vào các công việc của nhà nước, đồng thời cấu kết với bà này để lấy hàng triệu USD từ nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, xao nhãng nhiệm vụ bảo vệ công dân trong nhiệm vụ chìm phà năm 2014 làm hơn 300 người chết.
Thậm chí, ngày 11/3/2017, đảng Lao động Hàn Quốc đã đề nghị cảnh sát tiến hành điều tra cựu Tổng thống Park Geun-hye về tội xâm phạm tài sản, cản trở thi hành công vụ và vi phạm luật bảo vệ bí mật quân sự. Theo những quy định của luật pháp Hàn Quốc, nữ chính trị gia 65 tuổi này đã bị tước bỏ danh hiệu và quyền lực ngay lập tức.
Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye đã xin lỗi vì không hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống của mình, vốn theo lịch ban đầu sẽ kéo dài 5 năm tới tháng 2/2018, đồng thời nhấn mạnh bà sẽ chịu trách nhiệm đối với mọi hậu quả.
Ngay trong ngày 12/3, bà đã rời khỏi Phủ Tổng thống. Việc bà bị phế truất đã gây ra những phản ứng trái ngược nhau. Các cuộc biểu tình của cả phe phản đối và phe ủng hộ bà Park Geun-hye liên tục diễn ra tại thủ đô Seoul. Nhà chức trách phải điều 16.000 cảnh sát và 100 xe bus để ngăn hai nhóm biểu tình.
Trước những bất ổn và chia rẽ từ vụ luận tội Tổng thống Park, hiện chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hết sức để duy trì ổn định đất nước cũng như bảo đảm bộ máy nhà nước hoạt động bình thường. Chính phủ cũng cam kết tiếp tục bảo đảm an ninh vững chắc, sẵn sàng ứng phó những hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên có thể xảy ra trong tương lai, đồng thời bảo đảm sự vận hành ổn định của các thị trường tài chính và ngoại hối.
Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), 56,2% doanh nghiệp của Hàn Quốc đang bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi các biện pháp trả đũa về thương mại của Trung Quốc liên quan việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Kinh tế Hàn Quốc có thể thiệt hại gần 15 tỷ USD do các biện pháp trả đũa kinh tế của Trung Quốc.
Thách thức phải đối mặt
Không chỉ nội bộ trong nước rối bời mà quan hệ Hàn Quốc với một số nước láng giềng cũng đang rất căng thẳng, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc.
Tháng 1/2016, Nhật Bản đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Seoul để phản đối việc Hàn Quốc dựng tượng một cô gái ngay bên ngoài Lãnh sự quán Nhật Bản. Bức tượng cô gái này tượng trưng cho những cô gái Hàn Quốc bị bắt làm “phụ nữ giải khuây” cho binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nhiều lần tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo mà nước này gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo.
Trong khi đó, quan hệ với Trung Quốc còn đáng lo ngại hơn và đã xuống mức rất thấp kể từ khi Hàn Quốc quyết định chấp thuận để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này bất chấp sự phản đối dữ dội của Trung Quốc. Trong bối cảnh việc triển khai THAAD được đẩy nhanh, Trung Quốc cũng tăng tốc các biện pháp đáp trả, bao gồm việc cấm một số hàng hóa của Hàn Quốc nhập khẩu vào Trung Quốc và trừng phạt các công ty của Hàn Quốc làm ăn tại Trung Quốc. Ngoài ra, Triều Tiên cũng tiếp tục tiến hành nhiều vụ thử tên lửa mà phía Hàn Quốc coi là “hành động cố tình khiêu khích Hàn Quốc”.
Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn ai là tổng thống tiếp theo quả là không dễ dàng. Đến thời điểm hiện tại, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ (DPK) đối lập Moon Jae-in (64 tuổi), người từng thua bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử năm 2012, đang dẫn đầu khảo sát với tỷ lệ ủng hộ hơn 30%. Trong khi đó, đảng Saenuri cầm quyền vẫn chưa có ứng cử viên nào đạt được tỷ lệ ủng hộ trên 10%, ngoại trừ ông Hwang Kyo-ahn.
Được coi là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất, ông Moon Jae-in kêu gọi tất cả các phe phái cũng như người dân gạt bỏ chia rẽ, cùng nhau đoàn kết và tuân thủ các nguyên tắc dân chủ để vượt qua khó khăn. Nếu ông Moon Jae-in đắc cử tổng thống, một trong những vấn đề có nhiều thay đổi nhất sẽ là quan hệ Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên. Ông Moon Jae-in từng làm việc trong chính quyền của cố Tổng thống theo hướng tự do Roh Moo-hyun, người theo đuổi “Chính sách Ánh dương”.
Ông Moon Jae-in cũng được cho là sẽ thúc đẩy đối thoại với CHDCND Triều Tiên và có thể mở cửa trở lại khu công nghiệp chung Kaesong, nơi từng bị bà Park Geun-hye đóng cửa hồi năm 2017 sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa.
Ngoài ra, ông Moon cho rằng lợi ích an ninh từ việc triển khai THAAD sẽ giảm vì nó đe dọa làm xấu đi mối quan hệ với 2 nước láng giềng lớn là Nga và Trung Quốc. Việc triển khai THAAD nên để cho chính phủ kế tiếp quyết định vì một quyết định sáng suốt cần đáp ứng những lợi ích về an ninh và kinh tế thông qua tham vấn với Mỹ và Trung Quốc.
Ông Moon Jae-in cũng là người ủng hộ chính sách hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Theo giới phân tích, nếu ông Moon Jae-in giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, chính sách của Seoul đối với Washington chắc chắn sẽ có sự thay đổi về chất.
Song cho dù ai đắc cử thì cũng phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn hiện nay ở Hàn Quốc là đoàn kết đất nước vốn đã bị chia rẽ sâu sắc sau bê bối lịch sử nói trên cũng như giải quyết các mối quan hệ ngày càng phức tạp giữa Seoul với các nước ở trong và ngoài khu vực.