Sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị Quốc hội bỏ phiếu phế truất theo phán quyết luận tội của Tòa án Hiến pháp, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn chính thức trở thành Tổng thống lâm thời. Và theo luật định hiện hành của Hàn Quốc, cuộc bầu cử tổng thống mới phải diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ thời điểm Tổng thống bị cách chức.
Khởi động
Trong cuộc họp nội các ngày 15/3 vừa qua, ông Hwang đã chỉ định ngày 9/5/2017 là ngày bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới đồng thời tuyên bố không tranh cử tổng thống.
Với việc ấn định ngày bầu cử tổng thống, chính giới Hàn Quốc hiện đã hoàn toàn chuyển sang giai đoạn chuẩn bị tranh cử tổng thống. Hiện tất cả các ứng cử viên sáng giá đều là những người cấp tiến, có tư tưởng cải cách hoặc muốn thay đổi trạng thái mối quan hệ với Mỹ. Các nhân vật này sẽ cần phải đăng ký ứng cử trong hai ngày 15 và 16/4/2017.
Đợt bỏ phiếu sớm cho cử tri tại nước ngoài sẽ diễn ra từ ngày 25 tới ngày 30/4, đợt bầu cử sớm tại Hàn Quốc sẽ được tổ chức trong hai ngày 4 và 5/5. Ngày bầu cử Tổng thống chính thức sẽ bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng cho tới 8 giờ tối 9/5. Công tác kiểm phiếu sẽ diễn ra ngay khi các hoạt động bỏ phiếu kết thúc, và kết quả dự kiến sẽ được công bố vào rạng sáng ngày hôm sau.
Đảng Dân chủ bắt đầu...
Đảng Dân chủ theo đường lối tự do của Hàn Quốc cho biết đảng này ngày 22/3 đã bắt đầu tiến trình kéo dài 10 ngày để lựa chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tiến hành vào tháng 5 tới.
Tiến trình này bắt đầu bằng việc bỏ phiếu tại 250 điểm trên khắp cả nước, sau đó kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ được kết hợp với kết quả của các cuộc thăm dò qua điện thoại, cũng như bỏ phiếu bổ sung trong nội bộ đảng. Ước tính có 2,14 triệu người dân đăng ký cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu sơ bộ hoặc các cuộc thăm dò qua điện thoại. Đảng Dân chủ cũng sẽ tiến hành bỏ phiếu trong nội bộ tại 5 khu vực, trong đó có thủ đô Seoul kể từ ngày 25/3.
Hiện có 4 người đang chạy đua để trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, bao gồm cựu Chủ tịch đảng Moon Jae-in – người vẫn luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến mới đây nhất; Thống đốc tỉnh Nam Chungcheong An Hee-jung; Thị trưởng thành phố Seongnam Lee Jae-myung và Thị trưởng thành phố Goyang Choi Sung.
Theo dự kiến, đảng Dân chủ sẽ lựa chọn ứng cử viên của mình sau cuộc bỏ phiếu lần cuối tại Seoul vào ngày 3/4 tới. Tuy nhiên, nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu thì bỏ phiếu vòng 2 sẽ được tổ chức và tên ứng cử viên sẽ được công bố vào ngày 8/4.
Ba chính đảng nhất trí dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Trong khi đó, ba chính đảng ở Hàn Quốc đã nhất trí một dự thảo chung sửa đổi Hiến pháp hiện hành, theo đó thay đổi hạn định nhiệm kỳ tổng thống, hiện tại là 1 nhiệm kỳ 5 năm, thành 2 nhiệm kỳ 4 năm. Dự thảo trên cũng đề cập một cơ cấu chia sẻ quyền lực, trong đó tổng thống trên cương vị nguyên thủ quốc gia sẽ phụ trách về ngoại giao và an ninh quốc gia, trong khi thủ tướng do quốc hội chỉ định sẽ kiểm soát các vấn đề đối nội.
Ba đảng gồm đảng Hàn Quốc Tự do, đảng Nhân dân và đảng Công bằng đã nhất trí về đề xuất trên. Ba đảng này hiện nắm giữ đủ số ghế cần thiết để dự thảo trên được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội, song chưa đủ 2/3 tổng số ghế để đưa các đề xuất sửa đổi này ra trưng cầu ý dân.
Đảng Dân chủ - đảng lớn nhất hiện nay - vẫn tỏ ra thận trọng vì lo ngại rằng việc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp sẽ làm lạc hướng sự chú ý của cử tri đối với việc thay đổi chính phủ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 9/5 tới.
Ai sáng giá để vào Nhà Xanh?
Sau khi quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tuyên bố không ra tranh cử tổng thống, tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho cựu thủ lĩnh đảng Dân chủ Moon Jae-in đã tăng mạnh, tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu, với tỉ lệ ủng hộ là 37,1%.
Từng là một luật sư bảo vệ nhân quyền và là cố vấn cho cố Tổng thống Roh Moo-hyun, ông cam kết sẽ chiến đấu chống lại sự bất công, củng cố hệ thống an sinh xã hội và thúc đẩy các cải cách trong hoạt động kinh doanh nhằm giảm thiểu quyền lực và sự thao túng của các tập đoàn lớn, đồng thời tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ông Moon cũng từng bị phe bảo thủ công kích vì theo đuổi chính sách đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân và hợp tác, trao đổi thương mại và văn hoá với CHDCND Triều Tiên. Thậm chí, ông còn phát biểu, nếu được bầu Tổng thống Hàn Quốc, ông sẽ đến thăm Bình Nhưỡng trước khi thực hiện chuyến đi đến Mỹ sau khi nhậm chức.
Không những vậy, ông còn cho biết, sẽ xem xét lại cách thức triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) của Mỹ. Các ý kiến trên của ông hoàn toàn đi ngược lại với lập trường cứng rắn về CHDCND Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, với tỷ lệ 16,8% tỷ lệ ủng hộ, thống đốc của tỉnh nông thôn Nam Chungcheong Ahn Hee Jung xếp vị trí thứ hai. Ông từng là phụ tá cho cựu Tổng thống Roh Moo-hyun thuộc đảng Tự do. Những người ủng hộ và yêu mến ông đã gọi ông là “Obama của Hàn Quốc” vì trang phục bình dị và kỹ năng giao tiếp của ông.
Ông Ahn Hee-jung đề xuất hợp tác nhiều hơn với CHDCND Triều Tiên nhưng nên triển khai THAAD theo thỏa thuận hợp tác giữa Hàn Quốc và Mỹ. Lập trường này giúp ông giành được sự ủng hộ của rất nhiều người theo phe bảo thủ. Ông cũng kêu gọi một nền kinh tế thị trường công bằng và minh bạch.
Vị trí thứ 3 thuộc về cựu lãnh đạo đảng Nhân dân Ahn Cheol-soo với tỷ lệ ủng hộ là 12%. Nghị sỹ Ahn Cheol Soo là cựu bác sĩ và doanh nhân tin học. Ông Ahn bị giảm tín nhiệm sau khi vướng vào vụ bê bối liên quan đến quỹ quảng cáo khiến ông từ chức đồng Chủ tịch Đảng Nhân dân. Ông Ahn là người không ủng hộ việc triển khai THAAD của Mỹ. Về kinh tế, ông ủng hộ việc mở rộng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các vị trí tiếp theo là Tỉnh trưởng Kyeongnam Hong Jun-pyo, đại diện của đảng Hàn Quốc tự do với tỷ lệ ủng hộ đạt 7,1%; nghị sỹ đảng Chính nghĩa Yoo Seung-min đạt 4,8%; đại diện đảng Công lý Shim Sang-jong đạt 4,1%; cựu đại diện đảng Dân chủ Shon Hak-kyu và Tỉnh trưởng Gyeonggi Nam Kyong-pil của đảng Chính nghĩa cùng đạt 1,8%.
Dù ứng cử viên nào chiến thắng thì những ưu tiên hàng đầu vẫn sẽ là mang lại sự ổn định chính trường Hàn Quốc và đoàn kết một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc.