Chợ - đầu mối giao thương quan trọng trên nền hạ tầng yếu kém
Trong Báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Bộ Công Thương cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập, mở cửa thị trường, hạ tầng thương mại trong nước đã và đang có nhiều thay đổi. Tuy vậy, khi các loại hình hạ tầng thương mại bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, thì chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại trong thời gian gần đây.
Dù thế, chợ truyền thống vẫn duy trì và cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lưu lượng hàng hóa qua chợ từ 35%-40% (qua hệ thống phân phối hiện đại trung bình từ 22%-25%) và vẫn giữ được vị trí, vai trò quan trọng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Thị phần hàng hóa lưu thông qua chợ tại địa bàn nông thôn chiếm khoảng từ 50%-70%, cao hơn mức lưu thông qua chợ bình quân của cả nước.
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước có 8.513 chợ, trong đó chợ hạng I (chợ có trên 400 điểm kinh doanh) là 238 chợ, chiếm 2,8%; chợ hạng II (chợ có từ 200 đến 400 điểm kinh doanh) là 902, chiếm 10,6%; chợ hạng III (chợ có dưới 200 điểm kinh doanh) là 7.373, chiếm 86%. Phân theo địa bàn: chợ nông thôn chiếm 76%, chợ thành thị chiếm 24% trong tổng số chợ trên địa bàn cả nước.
Từ năm 2006-2010, cả nước có khoảng 1.200 chợ được xây mới và trên 2.000 chợ được cải tạo nâng cấp. Từ năm 2011-2015, số lượng chợ được xây dựng mới là 856 chợ và chợ được cải tạo nâng cấp là 1.602 chợ. Bình quân giai đoạn 2006-2015, số lượng chợ xây mới khoảng 2,5%-3%/năm, số lượng chợ được nâng cấp, cải tạo bình quân từ 4%-5%/năm, tuy nhiên đây là con số khá thấp trong bối cảnh 86% số chợ hiện nay là chợ hạng III với cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế cần được quan tâm đầu tư, nâng cấp cải tạo.
Cải tạo, nâng cấp chợ - chủ trương tốt vẫn bị phản ứng – do đâu?
Một trong những hạn chế trong việc phát triển và quản lý chợ được Bộ Công Thương chỉ ra là việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm. Hiện nay, có 403 hợp tác xã quản lý 435 chợ và 687 doanh nghiệp quản lý 773 chợ (trên tổng số 8.513 chợ cả nước). Như vậy, mới chỉ có 14% số chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, 86% số chợ là do Ban quản lý, Tổ quản lý quản lý. Vì vậy, dẫn tới công tác thu hút đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, với chủ trương xã hội hóa trong việc đầu tư, nâng cấp cải tạo chợ, nhiều địa phương đang thực hiện kêu gọi đầu tư, cải tạo, đặc biệt là những chợ có vị trí thuận lợi tại trung tâm quận, huyện. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo chợ, các địa phương thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ theo hướng dẫn của các bộ, ngành, chưa công khai, minh bạch chủ trương, phương án đầu tư kinh doanh, chưa tạo sự đồng thuận và thống nhất của các tiểu thương kinh doanh tại chợ, dẫn tới tình trạng khiếu nại, khiếu kiện xảy ra trong quá trình thực hiện.
Số lượng chợ khiếu nại, khiếu kiện tại các địa phương có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê sơ bộ, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về chợ đã và đang xảy ra tại 28 tỉnh, thành phố với tổng số 76 vụ việc. Thí dụ: Chợ Nành, Chợ Đại Từ, Chợ Trung Sơn Trầm (Hà Nội); Chợ phố Cầu Mây (Lào Cai); Chợ Bỉm Sơn (Thanh Hóa); Chợ huyện thị xã Kỳ Anh, Chợ thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh); Chợ đầu mối Phú Hậu (Thừa Thiên Huế); Chợ đêm Hạ Long, Chợ Hạ Long I (Quảng Ninh); Chợ Đầm tròn Nha Trang (Khánh Hòa); Chợ Đập Đá (Bình Định); Chợ Kiến Đức (Đắc Nông); Chợ tạm Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); Chợ Phan Rí Cửa (Bình Thuận); Chợ Đoàn Kết (Lai Châu); Chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn); Chợ Bắc Hà (Thái Nguyên); Chợ Đức Phổ (Quảng Ngãi); Chợ An Đông (TP Hồ Chí Minh) và một số chợ khác.
Các kiến nghị, khiếu nại chủ yếu liên quan tới việc quy hoạch, di dời chợ sang địa điểm khác; việc đầu tư, nâng cấp cải tạo chợ, về mức giá, phí dịch vụ bán hàng tại chợ; về phương án bố trí, sắp xếp địa điểm kinh doanh tại chợ được đầu tư, nâng cấp, cải tạo; việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ (từ chợ do Nhà nước quản lý sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý)…
Ngoài ra, còn có những tồn tại, hạn chế khác, như việc phân loại chợ chủ yếu trên cơ sở số lượng điểm kinh doanh trong chợ trong thực tiễn khó áp dụng đối với các chợ được xây dựng từ lâu và ở khu vực thành thị do bị giới hạn bởi không gian và cơ sở vật chất, chưa có cơ chế chung trong việc tổ chức các hoạt động mang tính liên kết trong phát triển mạng lưới chợ, chưa có cơ quan chủ trì giám sát các hoạt động đầu tư phát triển mạng lưới chợ dẫn đến một số chợ hạng I xây mới không bảo đảm đầy đủ công năng, gây bức xúc cho nhân dân và các thương nhân, tiểu thương kinh doanh trong chợ...