Hàng chục năm lặng lẽ khắc hình đất nước giữa phố cổ Hà Nội

(PLO) - Giữa 36 phố phường sầm uất và nhộn nhịp của Hà Nội, con phố Tô Tịch từ lâu được biết tới với nghề khắc dấu cổ truyền. Ngày ngày vẫn có những người thợ lặng lẽ giữ lấy nghề như giữ lấy một nét văn hóa truyền thống của phố nghề Hà thành.
Lồng ghép hình ảnh quê hương trong từng con dấu là sự quảng bá tinh tế hình ảnh đất nước mà những người thợ làm khắc dấu đang làm.
Lồng ghép hình ảnh quê hương trong từng con dấu là sự quảng bá tinh tế hình ảnh đất nước mà những người thợ làm khắc dấu đang làm.

Không ai rõ nghề khắc dấu ở Hà Nội có từ bao giờ, nhưng từ lâu con phố Tô Tịch đã nổi tiếng với nghề khắc dấu. Và với ông Phạm Văn Quang ở ngôi nhà số 59 (Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) ông cũng chỉ nhớ từ ngày có phố Hàng Quạt là nhà ông đã theo nghề khắc dấu, làm khuôn bánh. Tới giờ ông cũng đã có thâm niên 30 năm trong nghề. 

Nghề khắc dấu, làm khuôn bánh gỗ ở những thập niên trước sầm uất và được ưa chuộng bao nhiêu thì bây giờ những gia đình còn bám trụ lại với nghiệp này cũng chỉ đếm đầu ngón tay. Ông Quang chia sẻ: “Bây giờ máy móc làm chủ hết rồi, thủ công ngày được đôi ba cái chỉ bán lẻ cho người dân, hoặc khách du lịch thôi chứ sao mà sản xuất dây chuyền được”. 

Khắc dấu cũng như làm khuôn bánh vậy, ngày trước mỗi ngày khách ra, khách vào đông nghẹt, nhưng giờ cũng thưa dần. Cửa hàng cũ kỹ, biển hiệu nhạt màu, nằm lẫn giữa những gian hàng sặc sỡ, trang hoàng lộng lẫy nên nhiều người có thể đi lướt qua những cửa hàng khắc gỗ mà không hay biết. Khách hàng cũng khó tính hơn rất nhiều, họ chê thủ công làm chỗ này chưa mượt, chỗ kia chưa đúng…

Thế nhưng, họ đâu hiểu được rằng thủ công khác ở máy móc chính là 100 cái thì cả 100 cái khác nhau. Và dù là dấu hay là khuôn bánh thì làm bằng tay sẽ vẫn có hồn hơn là làm bằng máy. “Chưa kể, máy móc không thể nhận đặt hàng của những người mà họ yêu cầu chỉ sản xuất cho họ duy nhất một sản phẩm. Chính vì lẽ đó mà truyền thống và máy móc vẫn có thể tồn tại song song, chỉ là cái gì thuộc về số đông sẽ có quyền được lấn át và phát triển hơn mà thôi” - ông Quang bày tỏ suy nghĩ.

Ông Quang giải thích lý do mình vẫn còn bám trụ lại với nghề khắc dấu, làm khuôn bánh cho tới bây giờ là vì ngoài cái nghiệp mình sinh ra là để gắn bó với nghề mộc. Với lại, người ta vẫn thường gọi những người như ông bằng cái tên mĩ miều là “người giữ hồn cho phố cổ trên gỗ” nên thêm một lí do nữa để ông thấy nghề mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp và tin rằng giữa phố thị tấp nập vẫn sẽ có những người muốn giữa một cái riêng, cái tôi cho chính mình, vì vậy họ sẽ tìm đến ông – người khắc dấu bằng tay từng cái một chứ không phải ồ ạt như máy móc bây giờ đang lấn át.

Khách du lịch đến với phố cổ Hà thành cũng đều thích thú với nghề khắc dấu cổ truyền trên phố Tô Tịch. Họ thường sẽ lựa chọn cho mình một biểu tượng đặc biệt ý nghĩa ở nước họ rồi kiên nhẫn ngồi chờ ông khắc, đánh màu… trong hàng giờ đồng hồ liền. Để rồi thích thú khi họ có được món quà mà ngay cả phía bên kia địa cầu, nơi đất nước phồn hoa của họ chắc gì đã có ai làm ra được nó. 

Khắc dấu bây giờ không còn gói gọn trong những hình tượng khuôn mẫu nữa, mà người nghệ nhân còn theo nghề như ông Quang phải biết nhanh nhạy với mẫu mã và sở thích của nhiều người, nhiều lứa tuổi. Trẻ con thì thích khắc hình hoạt hình, bé gái thì thích những hình ảnh nhí nhảnh, đáng yêu, còn nam sinh thì lại là những kí tự đặc biệt mà người ta thường hay thấy xuất hiện trên phim truyền hình…

Những biểu tượng mà những người thợ khắc dấu lựa chọn làm sẵn để treo lên quảng cáo thường sẽ là 12 con giáp, các biểu tượng đặc trưng của Việt Nam như tà áo dài, chùa Một Cột, hình hoa sen…

Theo ông Quang: “Treo những con dấu có khắc những hình ảnh rất gần gũi với con người Việt Nam cũng là một cách để quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước đến với bạn bè năm châu bởi khách du lịch ngày ngày đi qua con phố này rất đông”. Sự tinh tế của những con người sống ở trên đất Hà thành bao năm, cùng tấm lòng giữ nghề, giữ lấy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của phố nghề Hà Nội thông qua việc làm giản dị ấy cũng đủ khiến người ta nức lòng.

Không thể trách những người thợ đã bỏ nghề bởi sự khó khăn mà nghề khắc dấu truyền thống phải đối mặt. Thế nên, càng phải nâng niu và trân trọng hơn những con người như ông Quang trên phố Hàng Quạt, ông Tịnh ở 2B Tạ Hiện… những người dẫu cuộc sống còn quá đỗi những khó khăn nhưng vẫn một lòng vương vấn với nghề, gắng giữ lấy hồn của phố cổ, lặng lẽ xuất hiện trên bản đồ làng nghề phố cổ như một nét văn hóa truyền thống đáng tự hào của người dân thợ gỗ trên phố thị Hà thành.

“Rồi sẽ có người của thế hệ trẻ nhận ra giá trị của nghề mà thay chúng tôi giữ nghề” - ông Quang nói bằng một niềm tin quyết liệt khi đưa mắt âu yếm nhìn về những con dấu khắc sẵn treo cùng biển hiệu trước cửa nhà.

Đọc thêm