Tiểu sử của Hồ Biểu Chánh (1885-1958), chẳng đâu thật bằng lời của chính nhà văn và con cái cụ cả. Thế nên, thân thế của cụ, phải xem trong Chân dung Hồ Biểu Chánh của Nguyễn Khuê, thì mới tường tận cho được.
Thuở thiếu thời gian khó
Nghiệp văn của Hồ Biểu Chánh, số lượng tác phẩm để lại cho đời, cứ ngồn ngộn. Sức viết, sức sáng tạo của ông, là vô biên và chất liệu cho những tiểu thuyết của ông, chẳng đâu xa, là từ đời cả đấy. Bạn đọc nay quen tên với những Cha con nghĩa nặng, Con nhà nghèo, Tắt lửa lòng… nhưng điểm số tác phẩm của ông, thì chỉ còn biết ngã mũ mà thán phục.
Ấy nhưng, nhà văn họ Hồ lại có một tuổi thơ gian truân, vất vả lắm. Ta quen gọi ông là Hồ Biểu Chánh qua những tác phẩm ông đề tên vậy, nhưng tên thật của ông, là Hồ Văn Trung, còn Biểu Chánh lại là tên tự, và bút hiệu của ông là Thứ Tiên.
Xét ra, gia thế nhà ông đời ông cha cũng có tiếng tăm nơi thôn ấp lắm chứ không phải thường. Bằng chứng là ở làng Bình Thành, Gò Công, nội tổ của ông là người đứng ra xin với chính quyền để tách làng Bình Xuân, lập nên làng mới Bình Thành, nên bài vị tiền hiền được thờ ở đình làng.
Còn thân phụ Hồ Biểu Chánh là Hồ Hữu Tạo làm Hương chủ, từng có công tranh đấu với làng Bình Xuân giành được 600 mẫu ruộng làm công điền cho làng Bình Thành. Hẳn là dân Bình Thành ghi mãi ơn sâu ấy.
Cha ông có công lao là thế, nhưng nhà Hồ Biểu Chánh lại nghèo. Đường học vấn của Hồ Biểu Chánh, cũng nên kể qua đôi chút. 9 tuổi cậu bé họ Hồ bắt đầu làm quen với chữ Nho ở trường làng.
Sau cha mẹ dời nhà tới chợ Giồng ông Huê, Chánh bắt đầu học chữ quốc ngữ, chữ Pháp ở trường tổng Vĩnh Lợi (1896-1898), trường tỉnh Gò Công (1898-1901).
Sau này, nhờ được học bổng mà Chánh lên Sài Gòn, theo học tại trường Chasseloup Laubat (1904-1905), nay là trường THPT Lê Quý Đôn ngay bên dinh Thống Nhất, Quận 1.
Nói riêng về cái việc từ miền Tây lên đất phồn hoa Sài Gòn đi học, trong Lời di chúc do chính Hồ Biểu Chánh kể lại, và con trai ông là Hồ Văn Kỳ Trân đánh máy, thật vất vả biết mấy:
“Còn hai ngày nữa tới ngày ta phải đi, mẹ ta than hết tiền, cha ta mới đi kiếm người đặng mượn tiền cho ta đi. Ta lo quá, sợ không đi được. Bữa chót, đến tối mà cũng không thấy cha ta về. Ta than nếu có một đồng bạc thì đủ cho ta đi. Mẹ ta khuyên ta đừng lo”...
“Thiệt khuya, mẹ ta gói một cặp áo hàng, đi bộ với ta xuống chợ mà cầm. Tiệm chịu cầm ba đồng. Mẹ ta xếp giấy bỏ túi, còn bạc thì đưa hết cho ta. Ta lấy hai đồng mà thôi. Mẹ ta không chịu, ép phải lấy hết rồi đưa ta xuống tàu. Lúc này mở dây mà chạy, ta đứng ngó mẹ ta trên cầu tàu, ta chảy nước mắt”.
Tiểu thuyết "Lạc đường" |
Đời công chức
Theo Gò Công xưa và nay cho hay, năm 1905, bấy giờ cậu thanh niên Chánh tròn 20, thi đậu hạng Nhì bằng Thành Chung. Vậy là từ đây, Chánh có được chiếc cần câu cơm từ tấm bằng ấy. Lúc này, nghiệp văn chưa đến với ông đâu, mà phải hai năm sau đó.
Ban đầu, Hồ Biểu Chánh định theo nghiệp giáo, nNhưng rồi chí hướng lại đổi khác khi một ông thầy cũ khuyên nên thi vào ngạch Ký lục để sau có cơ hội lên chức Huyện, Phủ có nhiều tương lai hơn cái nghề gõ đầu trẻ. Nghe lời thầy, năm 1906, anh Chánh thi đậu Ký lục Soái phủ Nam Kỳ. Thế là từ đây, ngót 30 năm anh Chánh ăn cơm Tây.
Sau khi thi đậu, Hồ Biểu Chánh làm việc tại dinh Thượng thư ở Sài Gòn. Năm 1911, do bị nghi ngờ có liên hệ với Trần Chánh Chiếu phản đối Pháp, nên Thống đốc Nam Kỳ đổi ông đi Bạc Liêu.
Ở mảnh đất phát nguyên của Dạ cổ hoài lang này, như lời Hồ Biểu Chánh tâm sự trong Lời di chúc, tiền kiếm dễ lắm “hồi đó Tòa bố Bạc Liêu không khác nào chợ bán chè cháo, hễ tiền trao thì cháo múc”, nhưng riêng với ông, thì quyết giữ lòng thanh bạch chứ không sa chân vào bùn tham.
Năm 1912, ông tình nguyện xin đổi xuống Cà Mau làm việc vì đồng nghiệp kia sợ nơi đây độc nước, lắm muỗi mòng. Bởi thế mà trong thi phẩm Họa bài “Hoài hữu”, ông có viết cảnh này là “Ham vui lạc bước đến Cà Mau/ Trời biển đâu đâu cũng một màu”. Làm ở đây chưa ngót một năm, ông lại đổi đi Long Xuyên. Rồi năm 1918, Chánh về lại Gia Định làm việc.
Kể ra, đời công chức của họ Hồ, nay đây mai đó chứ không yên một chỗ. Năm 1920, ông làm tại văn phòng Thống đốc Nam Kỳ. Năm sau, ông thi đậu Tri huyện.
Đến năm 1927 được thăng Tri phủ, làm Chủ quận Càng Long (nay thuộc tỉnh Trà Vinh). Lời khuyên của thầy năm xưa, quả nghiệm. Năm 1932 được đổi làm Chủ quận Ô Môn, Cần Thơ. Nhưng chỉ hai năm sau, do bất đồng với Chủ tỉnh, ông bị đổi đi Phụng Hiệp.
Làm Chủ quận được 8 năm, đến năm 1935 Hồ Biểu Chánh quay về Sài Gòn, ông vui mừng khôn xiết, làm ngay bài thơ Hồi kinh, có câu “Tám năm Chủ quận đạo vuông tròn/ Mừng đặng về kinh khỏi cúi lòn”. Ngay năm sau, ở tuổi 51, Hồ Biểu Chánh được thăng lên làm Đốc phủ sứ.
Mộ Hồ Biểu Chánh ở Thành phố Hồ Chí Minh |
Ông nghị của… Liên bang Đông Dương
Dẫu lên tới Đốc phủ sứ, nhưng cũng trong năm 1936, Hồ Biểu Chánh xin về hưu trí sau chẵn 30 năm ăn cơm Tây và được đồng ý. Ông tỏ ra vui mừng khi được “về vườn”, nên trong bài Hồi hưu cảm tác, ông viết:
Vai tuồng sĩ hoạn đã xong rồi,
Nhàn lạc từ rày mặc sức tôi.
30 năm kinh qua nhiều chức vụ mà nếu “tham hơi đồng”, hẳn cụ Chánh giàu rồi, nhưng như nhận xét trong Mảnh vụn văn học sử “Vì thật sự nếu muốn làm giàu thì những năm ngồi quận ở mấy tỉnh miền Tây, ông đã giàu từ lâu rồi như nhiều người khác. Nhưng ông đốc phủ sứ này về hưu mà không có biệt thự, xe hơi, ruộng đất bề thế”. Kể ra, thế cũng là trọn vẹn.
Ấy thế nhưng muốn về vườn mà đâu có thỏa nguyện được ngay. Viện lẽ thiếu người thay, thế là chính quyền bảo hộ lưu dụng ông đến năm 1941. Nhưng nghiệp chính trị của Hồ Biểu Chánh cũng chưa phải đến đây là dứt đâu, mà rẽ sang một hướng khác.
Ngày 4/8/1941, ông được cử làm nghị viên… Hội đồng Liên bang Đông Dương, rồi cuối tháng ấy, được cử làm nghị viên Hội đồng thành phố Sài Gòn kiêm chức Phó Đốc lý. Thời gian 1942 - 1944, ông có chân nghị viên trong Hội đồng Quản trị Sài Gòn Chợ Lớn.
Sau khi Pháp đổ, Nhật thất bại bởi Cách mạng Tháng Tám, nơi đất miền Nam chính trị biến động mạnh, một chính phủ đối nghịch với sự hậu thuẫn của Pháp được lập ra, đó là Chính phủ Nam Kỳ Cộng hòa tự trị của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh.
Năm 1946, ông Thinh mời Hồ Biểu Chánh đảm nhận một trong hai bộ là Bộ Nội vụ hoặc Bộ Thông tin. Nhưng vì tuổi đã cao, sức yếu, lại thêm bệnh tật, ông từ chối không nhận, chỉ nhận làm Cố vấn và Đổng lý Văn phòng Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh. Và chính từ đây, nhà văn đã bị nhìn nhận khác, dẫu cái chính phủ ấy chỉ tồn tại nửa năm.
Tháng 11/1946, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tự tử. Khi viết về việc này, cụ Vương Hồng Sển có đưa ra nghi vấn về cái chết của Thinh. Và Hồ Biểu Chánh, chính là một trong những người trước tiên phát hiện vụ việc.
Sau cái chết của Nguyễn Văn Thinh, Hồ Biểu Chánh chính thức hưu nhàn, chú tâm nhiều hơn vào nghiệp văn mà ông vẫn song hành cùng nghiệp chính trị từ khi bắt đầu đời ăn cơm Tây.
Với đoạn chính trị nửa năm này, Gò Công xưa và nay cảm thán “Đời chính trị của cụ Hồ Văn Trung có một đoạn bi thiết là lúc vì tình bạn không thể từ chối. Cụ ra làm cố và đổng lý văn phòng cho Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh”.
Với Hồ Biểu Chánh, bạn đọc thích nhà văn Hồ Biểu Chánh, hơn là cảm tình với ông Đốc phủ sứ Hồ Văn Trung. Bởi vậy nên, cái tên Hồ Văn Trung chẳng đọng lại bao nhiêu trong trí dân Nam. Nơi mộ ông ở Sài Gòn hiện nay, cái tên Hồ Biểu Chánh là tên chính trong bia mộ, hẳn có lý do riêng của nó...