Hàng chục ngành nghề được đề xuất bỏ khỏi nhóm kinh doanh có điều kiện: Vì sao?

(PLO) - 21 ngành nghề được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đề xuất bãi bỏ khỏi nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dịch vụ mua bán nợ - chỉ là dịch vụ hỗ trợ

Khoản 1 Điều 7 quy định, Luật Đầu tư, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định và áp dụng cho các hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi theo quy định tại khoản 16 Điều 2 Luật Doanh nghiệp (“kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”) và khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư (Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư). 

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất bãi bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khỏi nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác.

Cụ thể, “nợ” – đối tượng của giao dịch này - bao gồm có thể là bất kỳ khoản nợ nào hình thành trong các giao dịch dân sự, thương mại bình thường. Các khoản nợ có tính nhạy cảm, của một nhóm đối tượng đặc thù đã thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản khác như Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam  và Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN. 

Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán… đã được kiểm soát bằng các văn bản pháp luật khác).

Dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó.

Như vậy, việc thực hiện giao dịch mua bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia, không phù hợp với mục đích quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật dân sự, “nợ” được xem là một loại hàng hóa, được giao dịch trên thị trường (những khoản nợ “đặc thù”, “nhiều nguy cơ” – ví dụ các khoản nợ xấu của các ngân hàng, các tổng công ty nhất định… - đã được điều chỉnh bới các văn bản riêng). Hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ.

Với lý do tương tự, hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại cũng được đề xuất bãi bỏ vì không phản ánh bản chất của một ngành, nghề kinh doanh, bởi “Trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận” (khoản 2 Điều 27 Luật Trọng tài thương mại). Hơn nữa, đây là cơ quan tài phán, được thành lập với mục đích xét xử.

Tránh quản lý chồng chéo

Trong số các ngành nghề được đề xuất bỏ khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện lần này, có ngành nghề “sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LGP)”, với lý do chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG) là sản phẩm chứa đựng nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng, tác động đến môi trường, cần được kiểm soát.

Trên thực tế, chai LPG đã được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng bằng thép ban hành kèm theo Thông tư 18/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương, và bất kì chủ thể sản xuất, nhập khẩu, sửa chữa, kiểm định đều phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật này. Chai chứa LPG muốn lưu thông trên thị trường thì đều phải được kiểm định, bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật mà không phụ thuộc vào sản phẩm do ai làm ra, bằng dây chuyền, thiết bị, công nghệ nào, do đó, không cần thiết phải quản lý chủ thể sản xuất, sửa chữa chai LPG bằng điều kiện đầu tư kinh doanh.

Còn ngành nghề “xuất khẩu gạo” được nhận định không phù hợp với mục đích quy định về ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện theo khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư. Đối với yêu cầu về chất lượng mặt hàng gạo xuất khẩu, thực hiện quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Tương tự, “nhượng quyền thương mại” được nhận định là phương thức kinh doanh và không phải ngành, nghề đầu tư kinh doanh. Trường hợp nhượng quyền kinh doanh để kinh doanh trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh phải đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó và không áp dụng đối với bên nhượng quyền. 

Viện dẫn quy định tại Điều 233 Luật Thương mại 2005: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao”, Bộ KHĐT nhận định, “dịch vụ logistic” bao gồm nhiều hoạt động, liên quan đến nhiều ngành, nghề khác nhau, trường hợp cần quản lý theo điều kiện đầu tư kinh doanh thì các ngành, nghề đã có quy định cụ thể, do đó, bãi bỏ logistic khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để tránh chồng chéo, trùng lặp về điều kiện đầu tư kinh doanh.

“Kinh doanh dịch vụ xoa bóp” cũng được đề xuất bãi bỏ vì không phù hợp với mục đích quy định về ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện theo khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư và ngành này đã được quản lý bằng điều kiện an ninh, trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Tương tự, “sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy” không cần thiết quy định là ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện, thay vào đó có thể quản lý thông qua các quy định về tiêu chuẩn chất lượng đối với mũ bảo hiểm.

Một ngành nghề khác cũng được đề nghị bãi bỏ lần này là “kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu”. Theo Bộ KHĐT, không cần thiết phải quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành này vì cơ chế quản lý đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu là cấp phép cho từng hoạt động. Cơ quan nhà nước sẽ xem xét nội dung cũng như hình thức tổ chức để quyết định cho phép hay không. Như vậy, mỗi khi doanh nghiệp tổ chức hoạt động cụ thể nào sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép cho hoạt động đó. 

Đọc thêm