Hàng giả, hàng nhái gia tăng dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Cứ đến dịp cuối năm, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có dấu hiệu bùng phát.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 3/10/2023, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 14 phối hợp với Đội 6 - Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP Hà Nội kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh (CSKD) giày dép tại ngõ 286 Nguyễn Xiển, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở này đang bày bán một số hàng hóa mang nhãn hiệu “Adidas, hình”, “Nike, hình”, “NY, hình” của Công ty MLB, “LA, hình” của Công ty MLB có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam với tổng số 4.050 đôi giày, dép các loại, tổng trị giá hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu là hơn 994 triệu đồng. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa trên. Đội QLTT số 14 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu trên để tiếp tục xác minh làm rõ.

Hay mới đây, ngày 31/10/2023, Đội QLTT số 22 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) kiểm tra địa điểm kinh doanh mỹ phẩm (tại số 367 ngõ 68 đường Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Kết quả Đoàn kiểm tra phát hiện nơi đây đang kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm các loại, CSKD dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 862 sản phẩm mỹ phẩm các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục QLLT Hà Nội, chỉ trong tháng 10/2023, các lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 3.232 vụ (hàng cấm, hàng lậu 295 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 97 vụ, gian lận thương mại 2.633 vụ); xử lý 3.025 vụ (chiếm gần 94% số vụ kiểm tra); khởi tố 17 vụ, với 21 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 450 tỷ đồng.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo và hướng dẫn những điều cơ bản cần biết khi mua hàng nhằm tránh những thiệt hại không đáng có.

Đối với hàng hóa có giá trị lớn, vật tư phục vụ sản xuất (như xe máy, điện tử - điện lạnh, gia dụng, giống cây trồng…), người mua phải yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ hóa đơn bán hàng, phiếu bảo hành của nhà sản xuất kiểm tra thời gian bảo hành có phù hợp với hàng hóa; trên nhãn hàng hóa phải ghi đầy đủ thông tin bắt buộc như: tên hàng hóa, cơ sở sản xuất, thành phần, lô hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, khuyến cáo an toàn, mã vạch; Nhãn phải nguyên vẹn, không cạo sửa, dán đè nội dung trên nhãn. Đối với hàng nhập khẩu phải có nhãn phụ, phiếu bảo hành và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng việt, tem chống giả (nếu có), đơn vị nhập khẩu.

Đối với hàng hóa tiêu dùng thông thường, ngoài yêu cầu cung cấp hóa đơn bán lẻ, người mua hàng cần kiểm tra nhãn hàng hóa, trên nhãn phải có đầy đủ nội dung bắt buộc (tên hàng hóa, nhà sản xuất, thành phần, công bố chất lượng, lô hàng, mã vạch, ngày sản xuất, hạn sử dụng, khuyến cáo an toàn). Trường hợp có in tiếng nước ngoài thì phải nhỏ hơn tiếng việt; Sản phẩm phải nguyên đai, nhãn không bị tẩy xóa, sửa chửa, dán chồng lên nội dung ghi trên nhãn…

Ngoài ra, người tiêu nên chọn nhà bán hàng có uy tín, CSKD có địa chỉ rõ ràng, hoặc sử dụng phần mềm kiểm tra xuất xứ từ mã vạch để xác định có phải hàng chính hãng hay không.

Cục QLTT khuyến cáo người dân nếu phát hiện các cửa hàng bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng, cần báo ngay cho lực lượng QLTT để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của NTD.

Đọc thêm