Vi phạm tinh vi, lặp đi lặp lại
Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tục kiểm tra các cửa hàng bày bán hoa quả nhập khẩu. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện tượng hoa quả “đội lốt” nhập khẩu Hàn Quốc, Mỹ… vẫn tồn tại khá nhiều. Điển hình như một hệ thống cửa hàng nằm ở các con phố lớn của quận Cầu Giấy, Thanh Xuân mới bị phạt vì bán trái cây giả mạo xuất xứ và không có hóa đơn chưa đầy 2 tuần lại vừa tiếp tục bị thu giữ hoa quả giả mạo xuất xứ.
Đại diện Tổng Công ty Xúc tiến thương mại nông thủy sản Hàn Quốc cho biết, trái lê tươi là mặt hàng bị mạo danh nhiều nhất. Kết quả khảo sát trong tháng 8 và 9/2022 của Công ty cho thấy, rất nhiều quả lê có nguồn gốc Trung Quốc nhưng khi vào thị trường Việt Nam lại biến thành lê Hàn Quốc. Thực trạng này diễn ra ở trong cả các siêu thị, trung tâm thương mại lớn chứ không riêng thị trường truyền thống.
Đại diện Công ty Cổ phần Everia (chuyên sản xuất chăn ga gối đệm mang thương hiệu Everon) khẳng định, hầu hết các hãng có thương hiệu, có uy tín, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Everia đã nhiều lần yêu cầu các DN thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee cấm và hạn chế việc bán hàng giả.
“Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với lực lượng QLTT, các sàn TMĐT để đóng cửa, “xóa sổ” những cơ sở kinh doanh hàng Everon giả nhưng việc này chỉ như “muối bỏ bể” vì số lượng các đơn vị sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái Everon quá nhiều và có mặt ở mọi tỉnh, thành phố của Việt Nam” - đại diện Công ty cho hay.
Ông Kim Kwan Mook, Tổng Giám đốc Văn phòng xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh nhận định, đi cùng sự phát triển của thị trường, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hàng hóa đang bị làm giả, làm nhái rất nhiều với hình thức ngày càng tinh vi, khó phân biệt.
Đặc biệt, gần đây, khi TMĐT phát triển, việc phân phối hàng giả lại càng trở nên rộng rãi, phổ biến. Ông Kim Kwan Mook đề xuất, các cơ quan chức năng của 2 nước cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bởi việc sản xuất, phân phối, lưu thông hàng giả ngày càng tinh vi.
Cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội
Đại diện Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho rằng, bên cạnh biện pháp “phòng”, các DN cần lưu tâm đến các giải pháp “chống”. Cụ thể, để phòng ngừa việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT, các DN cần sớm đăng ký bảo hộ quyền SHTT; thường xuyên thực hiện khảo sát trực tuyến và trực tiếp thị trường. Cùng với đó, sử dụng mã QR Code hoặc bộ Tem chống giả do Bộ Công an cung cấp.
Với các giải pháp “chống”, đại diện Rouse Việt Nam đề xuất, các DN phải chủ động, mạnh tay, phối hợp gỡ bỏ các bài đăng xâm phạm, chặn các tài khoản bán hàng giả, hàng nhái trên TMĐT, mạng xã hội; Chủ động cung cấp thông tin với các cơ quan chức năng liên quan để phát hiện, ngăn chặn những cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả, hàng vi phạm SHTT…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình nhận định, đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Thời gian vừa qua, các lực lượng thực thi đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan. Theo ông Bình, dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ông Bình chỉ rõ, trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; Cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; Hạn chế về nguồn lực; Nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao... thì sự phối hợp giữa DN và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh: “Chỉ có DN mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất phân phối trên thị trường, vì vậy, việc phối hợp cung cấp thông tin của DN chủ thể quyền (tức DN sở hữu thương hiệu) đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT”.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng, vai trò tiên quyết, quan trọng trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái là chính là từ phía các DN chủ thể quyền. Các DN phải kịp thời xây dựng những biện pháp, kế hoạch ngăn chặn các sản phẩm bị làm giả, sau đó mới là sự phối hợp của các cơ quan chức năng. Hoàng TÚ