Gần đây, nhiều vụ việc sản xuất, quảng cáo, buôn bán sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng, mì chính, bột canh không rõ nguồn gốc… đã được phát hiện tại một số địa phương, gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND thành phố trong công tác quản lý thị trường, Sở Công Thương Hải Phòng đã ban hành văn bản tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn. Văn bản yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, TP Thủy Nguyên, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa thông điệp “Tiêu dùng an toàn, trách nhiệm”, kiên quyết đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm.
![]() |
Sở Công Thương Hải Phòng yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường bám sát diễn biến thị trường, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sữa giả, thuốc giả, hàng tiêu dùng giả |
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thành phố yêu cầu đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp ra thị trường, công khai minh bạch thông tin về sản phẩm và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng nếu phát hiện sai phạm trong ngành. Doanh nghiệp tuyệt đối không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả, hàng nhái hay xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các sở, ngành, địa phương cũng được chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa. Những hành vi quảng cáo sai sự thật, sản xuất, lưu thông hàng hóa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng sẽ bị xử lý nghiêm minh nhằm thiết lập một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, hướng đến một xã hội tiêu dùng bền vững.
TP. Hải Phòng đang quyết liệt trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong toàn hệ thống nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng hàng hóa và xây dựng niềm tin trên thị trường.
Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường bám sát diễn biến thị trường, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sữa giả, thuốc giả, hàng tiêu dùng giả; đặc biệt tại các kênh bán nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
Sáng ngày 8/5, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 4 tháng đầu năm 2025, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới.
![]() |
Tỉnh Thái Bình quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Theo báo cáo tại cuộc họp, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và phát hiện 671 vụ việc vi phạm, liên quan đến 756 đối tượng. Trong đó, 163 vụ có dấu hiệu hình sự, liên quan đến 228 đối tượng, và 499 vụ vi phạm hành chính với 528 đối tượng bị xử lý.
Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ các hoạt động xử lý vi phạm đạt trên 12,6 tỷ đồng. Trong đó, tiền xử phạt hành chính gần 7 tỷ đồng, số tiền thuế truy thu là 4,6 tỷ đồng, và hơn 1 tỷ đồng từ bán hàng hóa tịch thu. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và an toàn thực phẩm, các lực lượng đã tiến hành kiểm tra 179 vụ, xử lý 146 vụ, thu nộp ngân sách trên 1 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh ghi nhận kết quả đạt được là nhờ sự chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, hải quan, y tế, tài chính... trong công tác kiểm soát thị trường. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng chỉ rõ, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, tiêu thụ hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các khu vực giáp ranh, nơi công tác kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo 389/ĐP yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục nắm chắc tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân và doanh nghiệp để nâng cao ý thức tuân thủ, cùng chung tay xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tỉnh Thái Bình quyết tâm kiểm soát hiệu quả hàng giả, hàng kém chất lượng và hành vi gian lận thương mại không chỉ góp phần ổn định thị trường, mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòn chống thực phẩm giả, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Y tế rà soát, tham mưu, đề xuất Ban chỉ đạo ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm trên thị trường, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả…
Đồng thời, kiểm tra, rà soát các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng…nhằm phát hiện các sản phẩm thực phẩm chưa thực hiện công bố, vi phạm quảng cáo, để gỡ bỏ thông tin.
Giao Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện thành phố: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, các cơ sở dịch vụ ăn uống...
Đặc biệt, tăng cường công tác liên ngành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học… Nhằm kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.