Hàng giảm giá: Coi chừng rẻ mà không rẻ
Mua hàng giá rẻ, hàng giảm giá là một tâm lý chung của chị em phụ nữ bình dân. Có những chị em chuyên “săn” hàng giá rẻ, giảm giá và coi đó là một thú vui mua sắm. Thậm chí, nhiều hội chị em được lập ra trên mạng xã hội chỉ để mách nhau cách mua sắm sao cho thông minh nhất, giá ổn nhất. Chị Kim Dung, ngụ quận 8, TP.HCM cũng tham gia vào một hội trên facebook mang tên “săn hàng sale”.
Chị Dung kể, các chị em rất tài tình, cùng một mặt hàng, ví dụ như một dụng cụ nhà bếp, giá thị trường và tại các siêu thị hầu hết 100 ngàn đồng, các chị không hiểu bằng cách nào vẫn có thể lần ra những nguồn có giá chỉ 70, 80 ngàn đồng. Cách chị em còn chuyên “canh me” các đợt giảm giá tại các siêu thị, trung tâm mua sắm trong nước hoặc các thương hiệu nước ngoài để kêu gọi nhau mua. Họ còn rủ nhau đặt hàng theo nhóm để có được giá tốt nhất.
Chị Kim Dung tự hào: “Thích nhất là khi mua được món hàng mà giá thấp hơn thị trường. Có khi, cũng là một sản phẩm nước ngoài, cùng thương hiệu, chất lượng, thấy mình mua chỉ với giá 70% của bạn bè chung quanh, thích thú lắm, vì mình cũng coi như người tiêu dùng thông minh, vừa tiết kiệm mà lại là một thú vui.
Tuy nhiên, không phải bao giờ, mua hàng giá rẻ cũng đi kèm với sự tiêu dùng thông thái. Chị Lê Thanh Mẫn, ngụ quận 3, TP.HCM từng là một tay chuyên săn hàng giảm giá, hàng giá tốt qua mạng. Nghe ở đâu có giảm giá, giá rẻ là chị canh mua, thậm chí đến tận nơi. Nhưng sau nhiều lần “gặp chuyện”, chị mới rút ra một điều, đó là mua hàng trên mạng, hàng giảm giá rất “hên xui”. Có lần, chị đi trung tâm thương mại thấy cái váy thích quá, nhưng thấy trên mạng cũng bán giá chỉ bằng nửa, chị liền đặt mua.
Thế nhưng, nhận về thì đúng kiểu dáng, mà chất lượng vải, đường may hoàn toàn khác, đúng là “tiền nào của đó”. Chị Mẫn cũng chia sẻ, mua hàng giảm giá cũng phải hết sức thận trọng, nhất là thực phẩm, vì thường trong đó có lẫn lộn hàng cận date, hết date mà không biết. Ngoài ra, nguồn hàng rẻ cũng phải kiểm tra kĩ lưỡng, rất có thể đó là hàng giả, hàng nhái…
Nhiều chị em bị lâm vào hàng giá rẻ, hàng sale thực ra lại hoang phí hơn cả mua hàng đắt tiền, bởi đôi khi tâm lý bị hút vào giá trị đã giảm của món đồ, thích là mua, không cân nhắc mình có thực sự cần món đồ ấy hay không. Kết quả, mua về không sử dụng, muốn tiết kiệm mà hóa ra lãng phí.
Cuồng hàng hiệu: Coi chừng quá sức
Ngược lại với các chị em “cuồng hàng giả rẻ” là các chị em “cuồng hàng hiệu”. Với lập luận “tiền nào của đó”, những phụ nữ này chỉ mua những món hàng có giá trị cao, đang “nóng hổi” trên thị trường. Họ không thuộc vào đa số, nhưng số tiền họ tiêu, thì có lẽ vượt trội “lực lượng săn hàng rẻ”. Bởi mỗi một món hàng họ chi dùng, có giá trị bằng nhiều món hàng giá rẻ cộng lại.
Và quả thực, hàng hiệu thì có chất lượng rất “hiệu”, bền và đẹp, khiến chị em phải nở mày nở mặt. Mỗi một món hàng xứng đáng với số tiền mà các chị em bỏ ra. Không ít chị em khác, chị nhất nhất trung thành với phương châm mua sắm cao cấp, hễ không mua thì thôi, mua bất cứ thứ gì cũng phải là hàng có thương hiệu lớn, có giá trị cao, kể cả chiếc tăm cho đến đôi dép trong nhà.
Chị Thu Nguyệt, ngụ quận 10, thuộc nhóm các bà mẹ “mê hàng hiệu” lập luận: “Theo tôi, ví dụ một chiếc áo, mình mua hàng giả rẻ tốn 200 ngàn đồng, nhưng chỉ xài vài tháng là giãn thun, sứt chỉ”. Trong khi hàng hiệu, hàng cao cấp giá một vài triệu đồng, nhưng mặc vài năm trời, mỗi lần mặc vào lại khiến mình thấy tự hào, hãnh diện, thì làm một so sánh nhỏ có thể thấy, nên mua cái nào”.
Lập luận của các chị em không phải không có lý, thế nhưng, phàm đã là “cuồng”, thì luôn có khía cạnh tiêu cực. Nhiều trường hợp, chỉ chọn thứ đắt, thứ cao cấp cũng không phải là điều hay, khi với cùng một giá như thế, có thể có những lựa chọn tốt với giá rẻ, chất lượng và công dụng tương đương.
Và, có những vật dụng, chỉ cần bình dân, phiên phiến là được, không nhất thiết phải là hàng hiệu. Mua hàng hiệu cho những vật dụng có thời gian sử dụng ngắn, dùng thoáng qua một lần rồi bỏ, đó cũng là một sự lãng phí.
Cố phải mua hàng đắt tiền, trong khi mặt hàng đó có thể mua giảm giá với mức giá tốt hơn thì lại là sự “thiếu thông thái” trong tiêu dùng. Không kể đến những chị em tiền bạc rủng rỉnh, thì nhiều phụ nữ với quan niệm “mua cho đáng”, mua cho đẹp mặt, thì dù không giàu có cũng cố gắng thắt lưng buộc bụng mà mua hàng hiệu giá cao để rồi túi tiền hao hụt, chật vật bù vào món tiền đã vung tay, đó chắc chắn không phải là lựa chọn thông minh.
Vậy thì, như thế nào mới là cách tiêu dùng thông thái, mua hàng giá rẻ hay chỉ sắm hàng hiệu? Thực ra, thông thái hay không, chưa hẳn nằm ở giá trị của món đồ mua về. Sự thông minh trong tiêu dùng của phụ nữ nằm ở chỗ chi tiêu có cân nhắc, có kế hoạch, chỉ mua những món đồ thực sự cần, mua đúng với giá trị vốn có của nó. Chọn mua hàng hiệu hay chọn mua hàng giá rẻ, miễn là hợp lý, là cần thiết và xứng đáng, không cố, không gồng mình, đó mới là sự tiêu dùng thông minh.