Hàng hóa Tết được đảm bảo cung ứng đủ, chất lượng, không lo về giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời điểm này, các ngành, địa phương đang theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024.
Trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết năm 2024 của Hà Nội tăng 10% so với năm 2023. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo tin tức)
Trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết năm 2024 của Hà Nội tăng 10% so với năm 2023. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo tin tức)

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn 2024, đây là dịp nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn về đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2024.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết; không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, tăng giá đột biến. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan như Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải… kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, ngành công thương Hà Nội cũng đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Đồng thời sẽ phối hợp với các tỉnh nắm nguồn cung đối với những mặt hàng thiết yếu, qua đó ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến.

Sở Công Thương TP cũng đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường; tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình, kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao đem chất lượng tốt nhất đến với người tiêu dùng.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, Sở Công Thương TP đã phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024. Bên cạnh đó, TP đang triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia lượng hàng bình ổn chiếm từ 23 - 31% nhu cầu thị trường.

Về phía các doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối, tính tới thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cũng đã triển khai các phương án nhập hàng, đàm phán với nhà cung cấp để sẵn sàng phục vụ các khách hàng.

Cụ thể, trao đổi với báo giới, ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C (Central Retail) cho biết, hiện nay công tác chuẩn bị hàng hóa Tết đã gần như hoàn tất. Bên cạnh chuẩn bị lượng hàng hóa, việc bảo đảm giá cả ổn định cùng các chương trình khuyến mãi mạnh, giảm sâu cho dịp Tết cũng đã được đơn vị thống nhất triển khai.

Cụ thể, ngay từ tháng 9, đơn vị đã thỏa thuận ký kết với các đối tác cung ứng hàng hóa phục vụ Tết với lượng hàng hóa tăng 20% so với năm 2023. Các chương trình khuyến mại sẽ diễn ra liên tục và chia thành 3 giai đoạn trọng điểm, bắt đầu từ cuối tháng 12/2023 và tập trung vào các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, các mặt hàng thiết yếu và hàng Tết, giỏ quà Tết với các mức giảm giá chiết khấu sâu.

Tại Hapro, theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2024, các đơn vị trực thuộc và Công ty thành viên Hapro cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ với số lượng hàng hóa trị giá 1.000 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo… Ngoài ra, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như măng, miến, mộc nhĩ... và các loại quả, hạt khô phục vụ Tết khác…

Thông tin về công tác dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho hay, đơn vị đã làm việc từ sớm với các nhà cung ứng lớn, chốt sản lượng tất cả các mặt hàng chủ lực.

Trong thời gian tới, lượng hàng hóa Tết tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp sẽ về đầy kho, nhất là các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của TP Hà Nội. Dự kiến, hàng bình ổn giá chiếm hơn 30% trong tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết của đơn vị.

Còn theo Giám đốc Saigon Co.op miền Bắc Lê Văn Liêm, từ đầu tháng 10/2023, hệ thống siêu thị Co.op mart đã làm việc với nhiều nhà cung cấp nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định. Nguồn hàng hóa Tết dự kiến tăng từ 10 - 15% (một số nhóm hàng tăng dự trữ từ 30 - 50%) so với năm 2023, được tập trung tại 7 kho trung tâm.

Đơn vị cũng tích cực tham gia chương trình bình ổn giá với hơn 50 điểm bán hàng bình ổn tại thị trường Hà Nội và miền Bắc, cũng như chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi và kích cầu mua sắm cuối năm cho người tiêu dùng. Các chương trình này đã được thực hiện từ cuối tháng 11/2023 và sẽ kéo dài đến cuối tháng 1/2024. Ngoài ra, Co.op Mart cũng tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng tiêu dùng thiết yếu về vùng sâu, vùng xa, phục vụ người dân với giá hợp lý.

Đọc thêm