Nỗ lực cạnh tranh về giá hàng hóa trước Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều hệ thống siêu thị đã công bố “khóa giá” dịp Tết để đảm bảo hàng hóa được bình ổn giá, Tuy nhiên, cuộc “đua giá” vẫn chưa dừng lại.
Đang có “cuộc đua” về giá với các mặt hàng bánh kẹo phục vụ Tết.
Đang có “cuộc đua” về giá với các mặt hàng bánh kẹo phục vụ Tết.

Siêu thị “khóa giá”

Ngay từ đầu tháng Chạp, các hệ thống siêu thị đã công bố các chương trình khuyến mại, giảm giá dành cho dịp Tết Quý Mão. Trong đó, hệ thống siêu thị BRGMart triển khai trên toàn quốc chương trình bán hàng giá không đổi đối với trên 36.000 sản phẩm hàng tiêu dùng, kéo dài đến 30 Tết âm lịch. Ngoài ra, hệ thống này còn giảm giá đến 50% hàng nghìn mặt hàng tươi sống, thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến, bánh chưng, giò chả, rau củ, trái cây tươi…

Các mặt hàng mùa vụ, đặc sản Tết cho mọi gia đình trong dịp Tết như nông đặc sản từ các vùng miền (măng, miến, mộc nhĩ, gia vị,…), bánh mứt kẹo, hạt, rượu bia, nước giải khát… sản xuất tại Việt Nam và các mặt hàng nhập khẩu; đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, hóa mỹ phẩm… cũng ưu đãi về giá.

AEON Việt Nam cũng triển khai chương trình khuyến mại trên toàn hệ thống chương trình giảm 30-40% cho nhiều mặt hàng thiết yếu như mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hoặc đã qua chế biến, thực phẩm khô, các mặt hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình và nhiều mặt hàng thời trang, kéo dài đến 29 Tết (tức ngày 20/1/2023). Bên cạnh đó còn có nhiều chương trình chiết khấu khi khách hàng mua qua ứng dụng, thanh toán không dùng tiền mặt...

Theo đại diện AEON Việt Nam, giá các mặt hàng thiết yếu đã có một số biến động do nhiều yếu tố nhưng AEON đã nỗ lực phối hợp cùng các nhà cung cấp để bình ổn giá, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu cho khách hàng.

Phục vụ thị trường Tết, hệ thống Saigon Co.op “tung” ra thị trường 12.000 sản phẩm Tết cùng nhiều chương trình giảm giá, tặng quà. Đặc biệt, trong thời gian này, mặt hàng thịt lợn có sức nóng hơn cả do đây là nguyên liệu chính của nhiều sản phẩm phục vụ Tết như bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt… Do đó, Saigon Co.op sẽ giảm giá mặt hàng này đến hết tháng 1/2023 (tức trước, trong và sau Tết Nguyên đán). Cụ thể, hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op các khu vực TP HCM – Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ sẽ giảm 30% các mặt hàng thịt lợn xay, xương bộ lợn, xương ống lợn, sườn sống lợn, giảm 7% thịt đùi lợn…

Đáng chú ý, Big C cũng triển khai chương trình “khóa giá” với thịt lợn (không bao gồm sản phẩm của Meat Deli, G-Kitchen, Sagrifood) và áp dụng tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market trên toàn quốc đến ngày 24 Tết. Theo đó, ở hệ thống miền Bắc, Big C thực hiện giảm giá 30.000 đồng/kg cho các loại như thịt ba rọi, sườn non, nạc dăm; Hệ thống Big C miền Trung áp dụng giảm giá từ 20.000 -30.000 đồng với các loại như cốt lết, heo xay, thịt vai; Đại diện Big C khẳng định, đây là chương trình hoàn toàn không lợi nhuận mà Big C dành để tri ân khách hàng trong dịp Tết Quý Mão này.

Cửa hàng bán lẻ đua nhau chênh giá

Ngoài hệ thống siêu thị đã công bố niêm yết giá không đổi các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán thì các cửa hàng bán lẻ với hệ thống cửa hàng tiện lợi nằm ở các khu vực đông dân cư, khu đô thị đã tung ra hàng loạt các chương trình ưu đãi dành cho các sản phẩm bánh kẹo, đồ uống tiêu dùng mạnh trong dịp Tết.

Đại diện một hệ thống có các cửa hàng tại các khu chung cư cao cấp cho biết, mặc dù luôn khuyến cáo khách hàng nên mua hàng trong thời điểm sớm trước Tết khoảng 1-2 tuần do lo sợ đến sát Tết giá cả tăng khó kiểm soát nhưng hệ thống này vẫn cố gắng down (hạ) giá tốt nhất có thể đối với mỗi mặt hàng mà hệ thống đã nhập. “Chúng tôi chấp nhận lấy lãi rất ít nhưng bù lại “chạy” được số lượng lớn để có cớ đàm phán giá với nhà cung cấp” - người đại diện này nói.

Không chỉ chấp nhận ít lãi mà dường như đang có cuộc đua về giá giữa các cửa hàng bán lẻ tiện ích này. Giá cả tại các hệ thống này công bố luôn khá thấp so với giá bán tại các hệ thống đại lý hay siêu thị và chỉ chênh lệch nhau không đáng kể, thậm chí có những mặt hàng chỉ lệch nhau từ 1.000-5.000 đồng. Ví dụ, với các mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu như socola Đức, kitkat Nhật Bản, các loại kẹo Nga, các hệ thống đều đang chạy các chương trình “sốc” với mức giá chỉ chênh nhau 1.000 đồng/sản phẩm.

Nhiều ý kiến đánh giá, người tiêu dùng đang được hưởng lợi khá nhiều khi các kênh bán hàng thương mại điện tử xuất hiện. Hầu hết các cửa hàng đều có fanpage và công khai giá bán. Qua đó, người tiêu dùng có thể so sánh giá các loại mặt hàng với nhau và lựa chọn cửa hàng có giá cạnh tranh nhất.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, thị trường thương mại điện tử tiềm năng nên đây là mảnh đất màu mỡ để hàng giả phát triển. Do đó, người tiêu dùng cần tinh tường để lựa chọn hệ thống cửa hàng uy tín, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhất là khi mua bán các loại bánh kẹo, đồ uống nhập khẩu bởi Tổng cục đã từng bắt được nhiều xe hàng bánh kẹo chạy về từ biên giới phía Bắc nhưng hàng hóa đều thể hiện mã vạch của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Đọc thêm