Tại Hội thảo “Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài Thương mại” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại TP.HCM đã thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp từ các trọng tài viên cho tới các cơ quan quản lý nhà nước cũng như tòa án, viện kiểm sát…
Theo báo cáo, Luật Trọng tài Thương mại 2010 ra đời với những điểm mới tiến bộ đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về trọng tài, cơ bản đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong giải quyết tranh chấp về thương mại trong nước cũng như quốc tế. Tính đến năm 2022, cả nước đã có 42 Trung tâm trọng tài thương mại với khoảng hơn 700 trọng tài viên. Từ 2011 đến nay, các Trung tâm trọng tài đã giải quyết được 2.900 vụ tranh chấp. Không những số lượng vụ việc trọng tài thụ lý tăng lên mà các lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Với những kết quả đã đạt được, hoạt động trọng tài thời gian qua đã góp phần giảm tải hoạt động xét xử của tòa án, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Tuy nhiên qua thời gian, những bất cập, hạn chế trong Luật Trọng tài Thương mại cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, cụ thể:
Buổi Hội thảo “Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài Thương mại” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 29-11-2022 |
Vấn đề thẩm quyền trong Luật Trọng tài Thương mại hiện đang còn nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ như đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến tài sản là bất động sản tại Việt Nam có quan điểm cho rằng, đây là điều khoản phân định thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với không chỉ tòa án nước ngoài, cơ quan tài phán nước ngoài, mà còn phân biệt với thẩm quyền của Trọng tài thương mại Việt Nam, dẫn đến một số vụ tranh chấp có cùng bản chất nhưng các tòa án đã có các quyết định khác nhau, do vậy cần phải chi tiết, cụ thể hóa nhằm rạch ròi vấn đề thẩm quyền, tránh chồng chéo.
Về quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên hiện đang có quy định khá chung chung nên có thể gây hoài nghi về tính bảo mật - vốn là ưu điểm cốt lõi của trọng tài thương mại so với thủ tục toà án truyền thống. Do vậy, cần xác định rõ các nhóm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trọng tài viên cung cấp các thông tin của vụ việc họ thực hiện chỉ bao gồm: cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có thẩm quyền xem xét Đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, tránh việc lạm dụng quyền lực của một số cơ quan khác.
Các quy định về nội dung phán quyết trọng tài phải có địa chỉ của trọng tài viên cũng gây nên nhiều tranh cãi. Vấn đề đặt ra là địa chỉ của trọng tài viên có cần thiết không vì trọng tài viên thường xuyên thay đổi địa chỉ thì rất khó trong việc xác định địa chỉ trọng tài viên, trong khi đó Luật Mẫu UNCITRAL và pháp luật trọng tài các nước không có quy định này.
Một nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm trong Luật Trọng tài Thương mại đó chính là vấn đề hủy phán quyết trọng tài. Theo quy định tại Điều 71 Luật Trọng tài Thương mại thì khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn yêu cầu, không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết. Tuy nhiên, trên thực tế một số nơi vẫn xem xét lại chứng cứ nếu xét thấy các chứng cứ bị giả tạo. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án TAND TP.HCM cho biết, qua thực tiễn xét xử, TAND TP.HCM đã thống nhất, nếu phán quyết chỉ vi phạm về mặt hình thức và không làm thay đổi bản chất vụ việc thì tòa án kiên quyết không hủy phán quyết trọng tài. Nhưng nếu xét thấy có căn cứ về việc phán quyết làm sai lệch bản chất vụ việc thì tòa án sẽ hủy phán quyết đó, bởi đó là lẽ công bằng theo nguyên tắc mà phán quyết trọng tài phải tuân thủ.
Bên cạnh đó, bà Thùy Dung cũng nhấn mạnh, cần có quy định rõ về tiêu chuẩn để được công nhận trọng tài viên, bởi quyền của trọng tài viên rất lớn, quyết định của trọng tài viên có sự ảnh hưởng nhất định cho một hoặc nhiều bên trong tố tụng trọng tài. Do vậy cần phải có quy định về tiêu chuẩn cụ thể cũng như trách nhiệm của trọng tài viên phải được chặt chẽ hơn, bởi thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… đều phải trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt, quyền hạn, trách nhiệm cũng được nêu cụ thể, chặt chẽ, trong khi các tiêu chuẩn cũng như trách nhiệm đối với trọng tài viên còn chưa chặt chẽ, phù hợp, tránh tình trạng trọng tài viên cố ý ban hành phán quyết trái pháp luật...
Góp ý tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội Trọng tài Thương mại TP.HCM đặt vấn đề, liệu trong Luật Trọng tài Thương mại sắp tới chúng ta có nên mở rộng phạm vi về tố tụng trọng tài hay không, vì dự báo trong tương lai sẽ có nhiều vụ việc tranh chấp về lao động, môi trường… Nếu các bên thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết thì có nên tôn trọng các thỏa thuận đó hay không, để hoàn thiện pháp luật, không nên chỉ bó hẹp trong tranh chấp thương mại.
Cũng theo ông Hậu, việc thi hành phán quyết trọng tài hiện nay cũng là vấn đề đáng phải bàn, bởi lẽ nhiều phán quyết trọng tài không rõ ràng, không khả thi nhưng cũng không có trình tự nào để xem xét lại phán quyết của trọng tài (giám đốc thẩm, tái thẩm). Pháp luật thi hành án dân sự cũng không có trình tự, thủ tục riêng cho việc thi hành đối với phán quyết của trọng tài. Nhiều trường hợp không rõ ràng thì cơ quan thi hành án dân sự cũng không được yêu cầu giải thích, đính chính hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kháng nghị để giải quyết dẫn đến tồn đọng, phức tạp, tạo bức xúc xã hội… Do đó cần có quy định cụ thể, đồng bộ hơn để tránh tình trạng phán quyết trọng tài không được thi hành trên thực tế…